Mơ nước mắt

Nguồn ảnh: Internet.

Nguồn ảnh: Internet.

Cái vở kịch Thiên Thiên sao cứ mãi ám ảnh với tôi. Phải chăng Thiên Thiên rất lạ từ cái tên của nó. Chừng cách đây hơn hai năm rồi. Con giai phải nhập viện 3 ngày vì nghi nhiễm trùng máu. Tôi lo tới sốt vó. Con lớn nhất trong buồng bệnh. Những bệnh nhi nhiều đứa mang tên dính tới chữ Thiên. Thằng bé Thiên Học thì đâu 3 tuổi, bé như cái kẹo mút. Nó nhập viện cả tháng trời mà chẳng hiểu bệnh gì. Mẹ và bà ngoại ngày ngày túc trực bên nó. Mẹ nó còn trở thành buồng trưởng chuyên nhận ga và đổi ga giường cho tất cả những bệnh nhân nhí. Nó ít uống nước, ăn cháo cũng vài thìa, chỉ đòi hút sữa tươi. Mà càng hút càng đi đái nhiều. Bác sĩ thì cứ để nó nằm đó với mối lo của mẹ của bà đằng đằng từ Nam Định lên. Trước khi con giai tôi ra viện, mẹ Thiên Học báo tin mừng nó cũng sắp được ra viện.

Con bé thứ hai có tên Thiên Trang. Nó mới hơn tháng tuổi. Bố nó là bộ đội, mẹ nó ở Sơn Tây lên. Nó nhập viện chỉ vì có những hai cái bướu to mọc ngay gần rốn.

Rồi một thằng bé cũng có tên là Trường Sơn. Bố mẹ nó đang ở tuổi teen. Cả hai đều là người dân tộc. Anh chồng chị vợ đều nói năng lơ lớ. Mà thằng bé còn nằm viện dài dài dù mới 3 tháng tuổi vì nó còn phải trải qua phẫu thuật.

Con giai đã khỏe. Nhưng bệnh viện vẫn luôn là nỗi ám ảnh đối với tôi. Và tự nghiệm ra, những cái tên trực tiếp có chữ Thiên thường hay lận đận.

Kịch “Thiên Thiên” không được xem. Nhưng được đọc truyện ngắn “Hạnh phúc là đâu” của Vũ Hồi Nguyên (tên thật là Vũ Văn Luân), ông hiện đang sống ở Paris, Pháp. Thảo nào mà tác phẩm của ông lọt tới tay của đạo diễn Việt Linh, cũng sống và làm việc tại Pháp. Ông đã ra một tập truyện có tên “Một độ khóc cười” đã xuất bản từ năm 2006, tại một NXB TPHCM.

Thiên Thiên chỉ có ý định xoa dịu những vết thương đã nằm sâu trong những cá nhân bất hạnh. Cô không dám quả quyết sẽ tìm ra những lời khuyên nhủ, an ủi có hiệu quả cho từng trường hợp. Cái khổ muôn mặt, và mỗi con người là cả một thế giới riêng biệt. Dù sao cô cũng chưa đủ kinh nghiệm sống. Nói gì tới kinh nghiệm khổ, không phải ai cũng có. Thiên Thiên lơ mơ nghĩ rằng người ta sẽ bớt đau khi kể được điều không may của mình, cho một kẻ biết nghe và có thì giờ nghe. Cô muốn là kẻ đó, ngồi nghe những tiếng khóc, tiếng than, tiếng thở dài. Nghe thật kỹ, không sót một lời nói hay một giọt nước mắt. Nghe thật lâu, cho cạn hẳn một nỗi niềm. Gọi đó là tình người có lẽ không sai. Là một việc làm rất khó thì chắc chắn. Là một ảo tưởng lớn thì không biết sao.

Vũ Hồi Nguyên viết vậy đấy. Lạ cái là với những nhà văn đang sống giữ một xứ Pháp xa xôi, bên cạnh không sử dụng tiếng mẹ đẻ, chắc hẳn ông còn phải nghe – xem – đọc và giao thiệp bằng ngoại ngữ nữa,  thế sao văn phong của ông dễ dàng và thu hút thế. Đọc một nhát từ đầu tới cuối. Phải chăng truyện hay ở hấp dẫn cốt truyện?!

Cái hay cái dở của mỗi truyện ngắn tùy thuộc vào cái đồng cảm của người đọc. Kết của kịch “Thiên Thiên” nghe nói là khác hẳn truyện ngắn trên và còn có sự bổ sung thêm “Xoa” của tác giả  Tăng Sao Nam nữa. Nhưng tôi yêu tác giả VHN khi ông để thằng bé con Didier mơ về cô Thiên Thiên. Chả rõ là Thiên Thiên đã chết, hay Thiên Thiên cũng chối bỏ hết những người đã từng tìm đến cô để trút những hận sầu, hoặc là cô cũng đi tìm ai đó để tống ra những niềm đau chất chồng tự nhận lấy.

Cô(tức Thiên Thiên) nói, cô có nhiều giấc mơ người lớn, nhưng không hiểu sao chúng không đẹp như cô tưởng.

Trong câu chuyện Thiên Thiên giúp mọi người trút được bầu tâm sự, khóc và sau đó họ rời nhà cô với những nụ cười. Khi đó, nước mắt lại lã chã từ khuôn mặt cô. Hóa ra niềm đau nó truyền từ người này qua người khác, chứ đâu có mất đi.

Đầu tiên được dẫn dắt từ blog của Khải Đơn, tôi được đọc bình phim “Hi vọng” (Wish, 2013) của đạo diễn Lee Joon-Ik. Đọc đã đủ rớt nước mắt, phải đi tìm phim để xem. Quả là phim đủ sức lay động. Tròn trịa cho một bộ phim cảnh báo những ai đang có con gái cần cảnh giác, cần tâm lí cụ thể, nhiều chiều. Phim sẽ còn nhiều người xem và nhiều người khóc (chắc thế). Còn tôi thích cái chi tiết (cũng gần cuối phim) để bên cạnh thằng bé con Soo-wang, em của bé gái bị làm nhục Soo-yuan: “Người cô độc nhất sẽ thân thiết nhất. Người đau khổ nhất sẽ cười nhiều nhất. Vì họ không muốn tiếp nhận sự thương hại”. Cô bé con sẽ còn mơ để tiếp tục quân bình cho cuộc sống lúc nào cũng phải đeo một chiếc túi thải phân ra ngoài lủng lẳng bên mình.

Cảm ơn những đạo diễn (cả tây lẫn Việt), những nhà văn đã khiến nước mắt chảy (nhưng không hề đau đớn) giữa cuộc đời (thường nhật) này.