Phép thử

love

nguồn ảnh: Internet.

Liệu có trường tồn với thời gian một thứ

Tiền bạc không thể mua

Không thứ gì đổi chác

Chỉ có duy nhất chính nó đáp lại

Tấm thịnh tình của tháng năm

 

Cây đổi lá qua mùa

Trẻ lớn lên theo năm tháng

Người lớn già dần

Tính cách liệu đổi thay như thế

Và thứ tình cảm trong veo em có

Là gì khi anh chẳng rõ chẳng hay

 

Em đặt phép thử bằng một nụ cười

Em đặt lên đó một niềm tin vĩnh cửu

Em đăt cả vào dấu tay hờ hững

Em nương theo ánh mắt xa xăm phía cuối con đường.

 

Để rồi dấu mắt cứ mãi trường tồn

Dù em rõ rằng mình đang hoài vọng

Nhưng em rõ mình không đánh mất

Anh trong sâu thẳm của riêng em.

 

                                                                                 @May.N.H.T.2017

 

(Dưa) bắp cải

is

Hình trên mạng. Món bắp cải luộc nhà mình ngon tóa, ăn hết sạch mà quên chưa kịp chụp. 😀

Mùa này bắp cải nhiều vô kể, giá cũng rẻ bèo. Mùa đông miền Bắc không ăn thứ cải bắp xanh từ Đà Lạt chuyển về. Cải bắp đó thường là cứng, luộc kĩ ăn có ngọt nhưng vị ngọt có gì đó gia giả. Còn bắp cải miền Bắc, cả cái to, cuộn tròn. Thường thì lá ngoài xanh ngắt được phạt đi, người ăn chỉ chọn phần lõi. Nhớ ngày bé, bắp cải được tận dụng tối đa. Lá già quá phần lợn. Lá còn xanh để thái thật nhỏ, thái chỉ, rửa sạch, thêm dăm, hành, pha nước muối thật khéo. Ăn cải muối xổi hoặc chờ chua, đều có vị ngon riêng.

Cải phần trắng nõn, hoặc thái mảnh, đem xào với cà chua tóp mỡ. Mùa đông, cái vị mỡ, thêm tí chua của cà, ngọt của cải, đánh cũng hết vài bát tô cơm. Nhà nghèo, có món rau ăn thế là sang. (Mà sang mới có thêm tóp mỡ nhé, còn không chỉ là mỡ không xào lấy được cho thơm).

>> Mớ cá

Phần lõi cải bắp cũng không bỏ phí. Chỉ tước đi phần bên ngoài cứng. Phần lõi trắng muốt đó thái thành miếng. Khéo thì tỉa hoa. Đem bỏ vào bát dấm đường, ớt, tỏi để ngấm. Cả cái bắp cải, chừng được non bát ăn cơm, nhưng cái phần dưa góp đó cũng khiến như mâm cơm có thêm món. Mà ăn với cơm hay ăn không cũng vào lạ.

Ấy là bắp cải khi thừa ra mới đem làm dưa thôi. Còn bình thường cứ cắt to. Ai trồng bắp cải rõ nhất, nước tưới toàn nước giải pha loãng. Vì thế, cắt miếng cải phải chi li tách từng phần, tách rời ra, bỏ những phần lá úa (nếu có), ngâm muối. Rửa sạch, vớt ra để ráo.

Chuẩn bị sẵn cái nồi to. Bắp cải thế mà cũng mang tiếng ngót. Nước muốn ngọt đậm thì cho ít thôi, còn muốn nhiều nước luộc để chan thì pha kha khá. Mà đừng quên rửa thật sạch một quả trứng gà (hai càng tốt) mà nếu không có thì tạm dùng trứng vịt (thay thế). Luộc chín rau là trứng cũng chín.

>> Cọ xoong

Ái dà, món rau bắp cải luộc càng thêm đậm, thêm thơm khi chấm đẫm với nước ma-zi (xì dầu) dằm quá trứng luộc nóng hôi hối. Vị tanh của trứng chả thấy đâu, chỉ thấy váng vất những đâu đó ngọt đậm nơi đầu lưỡi. Vã không cũng hết nửa cái bắp cải đã luộc. Còn ăn với cơm hoặc bữa cơm còn nhiều món, thì cả nhà cũng đánh thẳng băng đĩa rau bắp cải luộc to tộ đó.

(Nghĩ đến đã thấy thèm).

:P)

À quên, dưa bắp cải đã trót hơi chua rồi, bỏ nấu bò, nấu sườn hoặc xào với thịt lợn xay. Không còn gì tuyệt hơn. 😀

Về bà ngoại

hax161212

Nguồn ảnh: WP.

Sáng nay, như mọi sáng cùng con gái đến trường sớm, đi chợ và quay trở lại nhà. Thỉnh thoảng ông xã chia sẻ nhiệt tình, nhưng con gái thích đi cùng mẹ. Về tới khu tập thể, khóa xe quay sang nhìn thấy cô hàng xóm dưới tầng.

  • Chào cô Q. lâu lắm chị không thấy cô?
  • Em chào bác. Nhân thể, em chào bác em về bên ngoại.
  • Ô thế cả nhà lại chuyển đi à.

Đây là hàng xóm mới, mua nhà được chừng hơn năm.

Anh chồng chả chào hỏi ai, lầm lì. Cô vợ đon đả. Và nhất là cậu con trai lớn đang học lớp 7 lúc nào cũng chào bác, thật to, thật rõ.

  • Không em về bà ngoại.

Mình chợt hiểu:

  • Ba mẹ con cùng về bên bà à.
  • Dạ không em đi cùng thằng lớn.

Mình không nói gì hơn, hơi lắc đầu:

  • Thỉnh thoảng Hiếu về chơi thì lên nhà bác nhé.
  • Vâng, cháu chào bác.

Thằng bé nó vẫn chào to thế, dõng dạc thế, mà tự dưng thấy rưng rưng.

Chừng nửa tháng nay, xảy ra một việc. Cậu chồng đi đâu uống về say, khụng khiệng cùng hàng xóm. Cậu say tới mức không hiểu nổi hành động của mình. Vợ can, cậu vẫn đi gọi đồng bọn định đánh nhau với hàng xóm.

Mình lên nhà trên tầng hai. Thằng bé con mới 4 tuổi véo von:

  • Mẹ cho con đi cùng mẹ.

Không ai đáp lời, cả bố lẫn mẹ. Thằng anh lớn mọi lần toàn nắn sửa em cũng chẳng thấy nói gì.

(Mình hi vọng là cô ấy chỉ đi vài bữa rồi lại về. Lại được nghe tiếng chào to của thằng bé nhớn).

😦

Mỉm cười nào

stock-photo-happy-people-with-smiley-on-hands-against-blue-summer-sky-background-262738712Sáng nay, ngay ngoài bìa cứng của cuốn sổ ghi chép của mìnhcó in một thông điệp: “Smile – All this because of a simple smile. That hadn’t cost a cent…”. Ừ nhỉ, có mất hào nào để mỉm cười đâu. Tại sao cứ phải cau có, cáu kỉnh, bực dọc, ảnh hưởng tới tâm lí suốt cả ngày.

Nhìn điểm lại, hóa ra năm nay đã gần trôi qua, mình đang đọc dở vài cuốn, và vẫn chưa có cuốn sách nào mình đọc xong. Thật tệ.

Bù lại, mình tham gia khóa học mạng nhiều hơn.

Ích lợi nhất là vừa khám phá ra được công dụng thực sự của thời trang đích thực. (Chị em ta, mua nhiều, mặc lắm, nhưng cũng vứt đi cả đống. Đúng không?!).

Đó là, chị em ta, nhiều người là tín đồ của thời trang, có biết được điều này không?

>> Xì bớt hơi

Hiện tại, quần áo trên thế giới có xu hướng được tái sử dụng. Nghĩa là phải những đồ quần áo thực sự đáng ra tấm ra món ý. Ở Việt Nam ta, liệu chúng ta đã được (có đủ khả năng tiếp cận chúng chưa). Mỗi năm trên toàn thế  giới, có hàng tấn quần áo mặc rổi, bỏ đi, hầu như không có ai mặc lại. Ờ thì đúng rồi, chúng không cũ, nhưng chúng sẽ không vừa, không hợp và nhất là, mặc lại đồ cũ của người khác là không thích rồi.

Một loạt đồ quần áo cũ đó – có tên là đồ si da – hay hàng thùng được chuyển về Việt Nam hoặc các nước thứ ba. Ở ta vẫn xài tốt, giá rẻ, lại hợp thời, đôi khi vớ bẫm được món ngon. Nhưng xu hướng chung trên thế giới, nhất là với những sản phẩm thời trang trung và cao cấp, các nhà sản xuất đã phải tính tới yếu tố tái sản xuất (cycling) và bền vững (sustainability) của sản phẩm rồi. Các sản phẩm đó phải may bằng một loại CHỈ (yarn) chuyên biệt. Khi chủ nhân bỏ không sử dụng, chúng được gom lại, đưa vào một chiếc máy giống như lò vi sóng. Bỏ đồ quần áo ra, chỉ tự tơi. Cúc, túi, nhãn, hình dán đều được phân loại. Vải lại được nghiền và sử dụng thành loại vải mới, còn những sản phẩm kia được tái sử dụng nếu như còn tốt.

Hàng có thương hiệu khác với hàng rẻ ở chỗ đó.

Với doanh nghiệp có lương tâm, họ sẽ đặt cao vấn đề sức khỏe, bền vững lên hàng đầu. Lợi nhuận nằm ở phía sau.

Còn với chúng ta, vòng quay cuộc sống mỗi ngày, nó cuốn chúng ta đi nhanh chóng. Hài lòng có (phần nhiều), nhưng thất vọng vẫn đến (phần ít) và cần lắm một nụ cười, thay vì xả xì-trét bằng mua thời trang cả mớ.

Cười thôi, vì chả mất một xu, nhưng khiến chúng ta thả lỏng, trôi đi bực bội và đảm bảo cả sức khỏe lẫn sự bền vững dẻo dai về tâm hồn đấy.

Cười để recycling cuộc sống. Cười lên thôi.

 

Khói

smoke

Nguồn ảnh: Internet

Chiều chạng vạng tới. Những làn khói bao giờ cũng bốc trắng dần từ mỗi ống khói của các căn bếp. Cơm chiều được chuẩn bị. Quê nội của ông bà, bếp cao nhất, ven đê. Trẻ con như bọn mình thấp tè, nhưng đứng trên đê có thể ngắm cận kề những làn khói này. Khói gây sặc, ho sụa, nhưng cái mùi của khói rơm, nhất là nếu có lẫn rơm nếp, nó nồng, thơm và có một mùi rất đặc biệt. Hương khói rơm, khói bếp. Nhắc tới đây là nhớ tới bà nội, khói như xông kín đặc mũi mình, mắt đã dâng dâng. Bà nội không biết chữ, bà đen thấp. Nhưng bà lúc nào cũng con cón chợ búa, đồng áng. Và lúc nào bếp của bà cũng khói chiều sớm, đủ tơm tất bữa cơm cho con cháu.

Khói bếp của mẹ là mùi dầu hỏa. Cái bếp dầu con, đủ chế dầu một bình. Mùi của tóp mỡ, mùi của bột mì (nếu có thêm quả trứng vịt thôi cũng là đủ lắm rồi), mùi của cá khô rán (ngâm mãi nước gạo mà không hết mặn). Cái mùi dầu nó nằng nặc, ngái ngái. Nhưng có mùi dầu cũng là lúc chuẩn bị có một bữa cơm (tạm đủ) mẹ bưng, hoặc hai chị em tự nấu.

Đến khi ngành than tổ ong phát triển rầm rộ. Ông chú út ruột từ quê ra buôn than một thời gian cũng trúng to. Nhớ có lần ngồi quạt than trước khu tập thể. Bố dùng máy ảnh (loại gì không còn nhớ) tác nghiệp cả con gái cả đang ngồi quạt than. Bếp than, khói đen bốc lên kèm mùi gắt, lúc đó chả thấy độc hại, chỉ thấy tiết kiệm thêm cho bố mẹ chút ít và cũng giúp tự mình ninh nấu mỗi bữa ăn. Cá kho để bếp than cũng giống như ủ trấu bếp rơm, nhừ phải biết, ăn được cả xương. 😀

Giờ đi trên đường, chuyện gặp phải khói đen xì, bốc xịt từ sau xe buýt to uỳnh là… thường ngày ở huyện (!). Chưa kể, với những xe máy có cái ống bô xếch ngược chếch lên giời, thể nào người đi bên cạnh hơi phía sau cũng được lãnh đủ làn khói xăng. Mùi khói xăng nó ngoẹt ngoẹt, xói thẳng mũi, bất ngờ bị  thường là không tránh được. 😦

Nhớ tới khói, vì sáng nay lúc đỗ dừng chờ đèn đỏ. Đèn đỏ những gần phút rưỡi. Chợt thấy hai anh chàng phía trước mình. Hai loại xe khác nhau. Hai độ tuổi gần gần nhau. Cả hai cùng rời khỏi xe, mở cốp, thò tay và rút ra bao thuốc. Một bên cầu kì còn có chiếc bật lửa ánh vàng. Gần đồng thời cùng một lúc quẹt ga, rít thuốc, đóng cốp. Tay trái cầm điều thuốc đang cháy và ngồi lên yên xe chờ đèn xanh bật. Hihi, mình khi đó chờ ngay phía sau thấy vừa như được xem một cảnh hoạt họa vui vui.

Ông xã mình không hút thuốc ở nhà. Có hút khi vui bạn bè và nhất là  hình như để giảm… say. Mình cũng từng gặp những người bạn ngồi bên cạnh rít thuốc cả giờ, hết điếu này sang điếu khác. Bạn vừa để giải tỏa tâm trạng, vừa như có một tâm trạng gì cần giấu kín. Dĩ nhiên, là hút thuốc để… giảm thiểu thời gian sốt ruột chờ đèn đỏ thì lần đầu tiên… mình thấy trong đời (!).

😀

 

Nhúp nhúp

imagesNhớ ngày bé có được chiếc máy điện tử có trò chơi xếp gạch là vô cùng sung sướng. Máy to bằng bàn tay người lớn. Màu vàng, chắc chắc. Một màn hình khá to, cỡ chừng bằng chiếc Iphone 6 bây giờ. Chỉ là đen và trắng, những khối màu rơi rơi, tăng dần. Nút phía dưới gồm mũi tên bốn đầu trên-dưới-phải-trái. Thế là bù đầu, cắm mặt vào chơi. Chơi chết thì chơi lại, chơi thâu đêm suốt sáng, chơi chóng mặt, chơi xong ngẩng mặt đã sang ngày.

Trò nào cũng vậy. Chỉ nuốt thời gian.

Chơi nào cũng ham. Chơi thì phải hết mình, càng chơi càng khoái.

Trò Pokémon GO mới nhất về Việt Nam đầu tháng 8/2016 này cũng vậy. Cần phải có chiếc máy điện thoại smart, nghĩa là thông minh, nghĩ là hem cần nút bấm mà cần những cái lướt tay, nhúp nhúp nhoang nhoáng trên màn hình.

Máy có màn hình cứ tầm bằng bàn tay là ổn. Còn không thì phải to gấp đôi của máy Ipad, tab cho thỏa cái mặt nhìn. Nhưng để bắt cái cậu Po (gọi tắt Pokémon GO) màu hồng hồng xanh xanh beo béo đủ màu thì chỉ cần bằng một chiếc Iphone 6 là okie. Tuyệt đỉnh.

Thế là ăn sáng cũng nhúp.

Cái trò bắt Po này yêu cầu phải vận động. Vì máy thì định vị, không gian thì thật, con người cũng thật, cái máy tính trong tay cũng thật của thật luôn. Riêng có chú Po kia thì ẢO.

Nhúp nhúp này! Tớ vừa bắt được một chú ngồi chình ình ngay trên bàn họp.

  • Ớ thế ko kịp bắt cái chú Po vừa lọt vào phòng sếp à?
  • Ai dám, phải xin phép cơ. (!?)

Bắt chú Po này mình lại nhớ tớ tới chú gà ảo của Nhật năm xưa. Dễ chừng đến hơn 20 năm rồi ấy. Cái máy nuôi gà ảo giờ chắc chả ai còn giữ. Những người mà lỡ chết cùng gà ảo thì cũng đã phải mươi lần cải tomb mất rồi. Kết quả nhãn tiền đó, mà giờ vẫn có cả đống người lại thích… nhảy nhảy với chú Po sinh động.

Khôn ra thì chỉ nhúp cái chú Po gần mình, thích thì chụp, trượt thì thôi. Không ăn thua, thế nào cũng làm quả ổi sưng to trên đầu vì đập phải tường.

Tỉnh ra thì chỉ chơi lúc nghỉ ngơi, chơi khi đã xả stress, và chơi miễn phí, đừng có dại mà bỏ tiền thật ra chơi. Nhưng xin thưa, người chơi vẫn bỏ cả đống tiền thật ra để tóm được vài ngàn chú Po (là nhiều) hay vài chú Po (nếu kém). Vậy là tiền mất, mà Po tóm được lại… giời ơi!

Thôi thì cứ nhúp nhúp, chơi chơi, biết được vui thì thôi cũng được.

(Mình là hem chơi, dù cũng khoái khám phá những cái lơi khơi).

😀

 

Mớ cá

is

Cá rô đồng. Nguồn ảnh: Internet.

Nóng như thế này tự dưng thấy thèm canh riêu cá. Cá rô đồng lóc thịt, ninh xương cá, vớt bỏ, cá chỉ lướt qua chảo dầu, rồi bỏ vào nồi nước ninh, thêm chút me quả, thả chút cà chua. Chờ sôi sùng sục, gừng, muối đã khử hết mùi tanh, me quyện với mùi thơm của cá nức mũi là bỏ thêm hành, thì là thái nhỏ.

Bắc ra, ăn với cà pháo muối chua giòn, hoặc ăn với cà bát muối xổi, món nào cũng được. Cơm trắng gạo tám thơm, cứ gọi là ba bát lèn chặt, thể nào cũng hết.

Hi hi, đó là sức khi còn thanh niên thôi. Giờ thì chả nói ngoa, cũng hết đến hai bát rưỡi, đủ gạt đơm không ấn xuống. 😀

Canh đậm nhạt, chua vừa hay gắt tùy định liệu của người nấu và cũng tùy vị giác của người ăn. Nhưng bát canh đừng có vị tanh, ngọt bùi vị cá, và đườm đượm đong đầy hành, thì là, vậy là đủ sướng cho mỗi bữa ăn.

Cá rô đồng, đầu cá trắm/chép/trôi/mè… thế nào cũng được. Đủ miếng để chế một nồi canh chua. Đủ thấy cái công sức, cái niềm yêu của bếp núc.

Như miếng cá, phải cạo cho bằng sạch cái lớp màng đen bụng cá, thì miếng cá khi rán, khi nấu cũng sẽ bớt tanh.

Cá mình sợ nhất tanh. Ở chợ sợ nhất con mụ hàng cá – điêu toa nhất.

Bát canh riêu cá nấu lên nó thơm, ngon, quyện với vị dẻo cả cơm, khiến cho đọng hoài nơi đầu lưỡi, bụng đã căng, dù lấm tấm mồ hôi trán, lưng, người… thì vẫn cứ thấy rưng rưng cho một món đáng cho những ngày hè nóng nực.

Ấy nhưng lại thấy lợm giọng cho cái mớ cá hổ lốn ở chợ, khi chỉ còn là một mớ cá ươn, lổn nhổn những lòng thòng, vẩy cá, máu vương…

Cũng là cá sao lúc THƠM lúc TANH là vậy.

(Dĩ nhiên không phải là cá chết ở Vũng Áng chuyển về chế biến đâu nhé).

😀

Thà cảm thấy đau

is

Nguồn ảnh: Internet.

Thang máy mở. Một cặp vợ chồng và đứa con trai nhỏ. Một cô gái áo sơ mi trắng khoác chiếc túi da bóng cũng trắng. Cả gia đình kia tựa lưng vào rìa phải. Cô gái đứng lơ lửng ở giữa. Tựa lưng vào bên trái là một cặp tình nhân.

Bước vào hẳn thang máy rồi. Mình mới nhìn thấy tay người đàn ông tựa nhẹ bên hông trái của cô gái. Thang máy xuống lối gửi xe. Tất cả đều xuống B2 – xe bốn bánh, trừ mình.

Tất cả đều ra trước. Mình xuống thêm một tầng B3.

Cái mình quan tâm là cái tay tựa bên hông. Đủ dịu dàng. Đủ êm ái. Đủ tinh tế, tế nhị, đáng yêu.

Phải là bất chợt mới nhìn thấy. Vì hết tầng, cửa thang máy mở là họ bước ra. Cái tay đã… rời khỏi vị trí.

😀

Cái hờ hững đáng  yêu kia khiến mình đoán họ là một cặp tình nhân. Vì nếu là vợ chồng ít có tình tứ thế (hay là mình sai!)

Về lại nghe nhóm nhạc gồm hai chàng trai và một cô gái có tên Lady Antebellum, bài hát Need You Now thấy giai điệu đơn giản sao mà hay thế. Trong đó có một câu Rather hurt than feeling nothing at all (thà cảm thấy đau còn hơn trống rỗng toàn phần). Hihi, nếu theo Phật thì trống rỗng lại là một điều hay đấy! Nhưng với những người trẻ, cần dấn thân, nhớ nhung và…. hạnh phúc. (Còn người chưa già thì sao nhở?!)

Năm ngoái, nhớ bộ phim của điện ảnh Áo Hãy đứng lên và Nhảy đi nào!  Cùng một ánh nhìn nao nao, khắc khoải. Nay lại vào mùa phim, 13 phim châu Âu sắp sửa công chiếu từ 13/5 đến 22/5 tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM. Toàn phim chất. Và vì chạy đi lấy vé xem phim nên mới gặp được… đôi tình nhân trong thang máy. (Vòng tay ôm hững hờ sao thật đáng yêu).

😀

Nhắc nhớ

thornbirds-435

Richard Chamberlain và Rachel Ward trong phim SX năm 1983 Enter a caption

Có một thứ thầm lặng. Hiện hữu. À, không hiện hữu. Lặng lẽ đó đi bên bao người. Phải chăng đó là tiết trời. Không, tiết có bốn mùa, vẫn lặp đi lặp lại chứ không liên tục. Phải chăng là yêu thương. Đâu có, yêu thương, hờn dỗi lẫn đầy.

Ồ, thế là cái gì mãi trường tồn, vẫn lặng chảy như dòng sông miết mải.

Xin thưa, đó chính là thời gian.

Trôi và trôi, bình lặng.

Bên đời.

Hôm nay lãng đãng thế vì tối qua vừa khép xong dòng cuối cùng của cuốn “Thorn birds”, tác giả Colleen Mc Cullough. Bà vừa mất đầu năm 2015, sách của bà được biết đến ở Việt Nam với tiêu đề “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” của dịch giả Phạm Mạnh Hùng. Ông dịch từ tiếng Nga. Còn bản dịch của  Trung Dũng (tức nhà báo Lý Quý Trung) từ nguyên bản tiếng Anh. Nếu ai đã đọc cả hai bản, quả là có nhiều chi tiết khác.

Khác về tên gọi do cách chuyển thể tên và cách ra tiếng Nga rồi chuyển về tiếng Việt thì có lẽ thể tất được. Nhưng khác về hội thoại, khác về một số đoạn, thì mình cũng chưa hiểu nổi, vì sao? Có lẽ là do tái bản, được chính tác giả cắt bớt hay thêm vào chăng?

Đọc bản dịch của ông Phạm Mạnh Hùng lâu lắc rồi, đâu như năm đầu vào đại học, hay tốt nghiệp đại học thì mình không rõ. Nhưng đọc bản dịch của ông Trung Dũng thì vừa mới đây thôi. Và lúc này đọc lại, không phải bởi hay bản dịch có những chi tiết khác nhau, mà đúng là thời gian nhắc nhớ – nó hiện hữu. Năm ta trẻ, đọc tiểu thuyết này khác, giờ bốn mươi, thấy khác.

Trước chỉ trọng tâm rung rinh vào cái rung động, cái xả thân với tình yêu giữa Meggie – Ralph. Nó hấp dẫn bởi tình yêu bị cấm đoán. Nó hấp dẫn thì những rung cảm, những khắc khoải, động chạm đều khiến như rạo rực tò mò. Nay cái phần tình yêu đó chỉ trở thành thứ yếu, thậm chí còn thấy trẻ con và hơi buồn cười.

“Những con chim ẩn mình chờ chết” (NXB Trẻ, 2015, Trung Dũng dịch) khiến mình khóc hai lần. (Nghe buồn cười nhỉ). Lần đầu là khi thấy ông bố Meggie – ông Paddy bị chết cháy và cậu con trai Stuart đi tìm cha đã bị heo rừng đè chết. Lần hai, cảm xúc của Ralph khi mất Dane. Không hề sụt sịt, chỉ là những giọt nước mắt chảy dài, nấc sâu.

Cách xác con ngựa không xa, khuất sau một thân cây nằm ngang là những phần còn lại của một xác người. Không thể nào lầm được. Ướt đẫm dưới cơn mưa, cái hình thù màu đen nằm ngửa, cong theo vòng cung, hai mông và hai vai chấm đất. Hai tay dang rộng ra, gập lại ở khuỷu như đang hướng lên trời cầu nguyện; mấy ngón tay lộ xương vì thịt đã ra, co rút lại như đang bấu víu vào khoảng không. Hai chân cũng dang ra, hơi co lại ở đầu gối, còn ở nơi mà trước kia là cái đầu thì chỉ còn hai hố mắt trống trơn!

Chỉ có thể chứng kiến thực sự Colleen McCullough mới có thể tả một cách xác thực thế. Cái thân thể chịu bao cơn đau đớn từ cơn cháy, không thoát nổi. Ông Paddy chết như một sự hành hạ, ông yêu thương Fiona nhất nỗi, nhưng cũng hành hạ bà theo cách khó tả luôn. Ông chết để giải thoát cho chính ông, hay cho bà vợ. Nhưng bà Fiona đã hóa đá, vì chính đến lúc đó mà mới nhận ra, bà đã và sẽ mãi yêu ông.

Hồng y de Bricassart được thông báo ông là cha đẻ của Dane thì cũng là lúc ông đã vĩnh viễn mất nó. Meggie đã đánh cắp vật quí giá của Chúa, cô cũng chỉ giữ nó được hai mươi sáu năm mà thôi. Nhưng ông đã hạnh phúc và đủ đầy bên Meggie và con trai của mình. (Khó hình dung được hình thể của nhà văn Collin với những gì tinh tế mà bà biểu đạt thế).

Hôm trước, bốn cô bạn cấp ba ngồi lại với nhau để ăn chúc mừng sinh nhật. Gương mặt bọn mình có già đi, nếp nhăn xuất hiện. Nhưng thần thái và tính cách thì vẫn y nguyên. Dĩ nhiên, đều sẽ có người giàu, người nghèo, nhưng khi đã gặp nhau và tìm lại kí ức thủa học sinh thì khó phân biệt nổi. Cả bốn đứa thử đang chờ theo thời gian, lũ chúng ta gặp nhau lúc ngoài 60, tức là cũng chừng 20 năm non nữa xem thế nào nhỉ (!)

Thời gian luôn ở cạnh bên – luôn nhắc nhớ.

😀

colleen-mccullough-435

Colleen McCullough. Nguồn ảnh: People.com

 

Liền

childhood_joy_02

Nguồn ảnh: Internet.

Có lúc nào ai đó, muốn mở miệng để biểu đạt một điều gì đó mà không nổi?

Không phải vì không có gì để nói, mà là chẳng biết lựa cách nào để nói!

Mà khi nói dễ làm tổn thương nhau.

Khoảng cách không phải là không gian, không phải là thiếu phương tiện, nhưng sợ rằng khi nói ra sẽ có cái gì đó gì sẽ bùng nổ.

Nói ra không thể khiến cho vết thương liền lại mà cứ toang hoác ra.

Nói đôi khi thật khó.

Ngày hôm nay chẳng rỗi rãi, nhưng bài hát “Shame” của Robbie Williams và Gary Barlow tự dưng đã lọt tới mình. Bài hát phát hành đến 4/10 năm nay là đủ 6 năm rồi. Nhưng lời bài hát thì ôi thôi lúc nào cũng thời sự, vẫn còn hôi hổi ý nghĩa.

Rob và Gaz vốn là hai giọng ca chính của Take That.

Gaz thấp hơn nhưng là anh cả.

Rob cao hơn là em út.

Gaz có giọng ấm áp truyền cảm.

Rob giọng cao giật cục nhưng ấn tượng.

Gaz điềm đạm.

Rob quậy phá.

Thời 1996 ban nhạc của 20 năm trước luôn gặt hái những giải thưởng, dù là boyband.

Gaz thì trụ lại cùng ban nhạc khi chỉ còn 4 người và lúc tái hợp lại vẫn chỉ là bốn người, thiếu Rob.

Gaz, Rob và Mark Owen đều là những gương mặt thành danh khi solo và ra đĩa đơn. Hai thành viên còn lại giọng có chút nổi trội nhưng múa phụ họa là chính.

Sau 2012, Olympics Games tại London, Anh. Take That khi đó đã tụ hội đầy đủ 5 người. Gaz và Rob lại hát cùng nhau. Nhưng rồi mọi thứ lại đâu vào đấy, họ rời bỏ nhau, mỗi người một nghiệp. Nhưng ở khoảng giữa đó. Rob có ra album đơn và mời Gaz hòa giọng, đó chính là hit “Shame”.

Xem lại MV đó sáng nay. Nước mắt không trào ra, nhưng mà ầng ậc nước. Thật đấy.

Lời bài hát như viết cho mình và EM.

 

Ồ có  ba phiên bản câu chuyện này của tôi, anh và sự thật

Chúng ta có thể áp dụng trong  hoàn cảnh, thơ ấu giữa chúng ta và tuổi trẻ của chúng ta

Vượt khỏi nhưng xúc cảm có được tôi muốn anh cảm nhận nỗi đau của tôi, nó trở lại với chính anh

Tôi đọc được tâm trí anh và đã cố gắng gọi, nước mắt của tôi có thể ngập tràn sảnh Albert Hall, có điều gì ngọt ngào ở quanh?

Nỗi xấu hổ nào chúng ta chưa từng nghe

Tôi đã nói với anh trên truyền hình đó

Mọi thứ đã qua rồi như cái giá chúng ta phải trả

Con người trải qua cuộc đời với cách này thôi

Ôi nỗi xấu hổ của anh – tôi

 

Tôi bận rộn ném bỏ mọi người ra phía sau xe buýt

Cùng với tấm poster 30 feet ở đằng sau (xe Toys-R-Us)

Tôi đã viết một tâm thư trong trí nhớ của mình, nhưng lời lẽ thật không tử tế, về một gã đàn ông tôi chẳng thể nhớ ra

Tôi không hồi tưởng lại lí do vì sao, tôi đã làm vậy trong thời gian đó, có điều gì ngọt ngào ở quanh?

 

Nỗi xấu hổ nào chúng ta chưa từng nghe

Tôi đã nói với anh trên truyền hình đó

Mọi thứ đã qua rồi như cái giá chúng ta phải trả

Con người trải qua cuộc đời với cách này thôi

Ôi nỗi xấu hổ của anh – tôi

 

Lời dễ dàng đến, nếu như đúng vậy

Lời dễ dàng đến, nếu như đúng vậy

 

Tôi bận rộn ném bỏ mọi người ra phía sau xe buýt

Cùng với tấm poster 30 feet ở đằng sau (xe Toys-R-Us)

Chúng ta có thể áp dụng trong  hoàn cảnh, thơ ấu giữa chúng ta và tuổi trẻ của chúng ta

 

Nỗi xấu hổ nào chúng ta chưa từng nghe

Tôi đã nói với anh trên truyền hình đó

Mọi thứ đã qua rồi như cái giá chúng ta phải trả

Con người trải qua cuộc đời với cách này thôi

Ôi nỗi xấu hổ của anh – tôi

 

Lời gốc đây:

https://www.youtube.com/watch?v=tv49bC5xGVY&ebc=ANyPxKoW0pLRY6DE0W8y-8lZdYc-UqojCh7DVdSa_EOBmAJgwpAx4X5bk_rX73Gi9XzHCIjLI4S78kVpRNLipo0BvFCciu5Gew

Có những lúc mình chỉ muốn nói với EM, đừng vậy.

Muốn nói rằng sao mọi thứ cứ cách xa.

Muốn có một cái ôm, thời gian chẳng thể ngược trôi, không ai bé lại.

Cuộc sống xoay vần.

Dẫu mọi thứ không thể là ngày xưa đầm ấm, nhưng hãy để “Shame” giúp mình và EM có thể mắt đối mắt, mỉm cười. Như ánh mắt của Gaz của Rob đấy thôi.

Lời nói bằng lời.

(Được không EM?)