Bích đích

HAX160124

Nguồn ảnh: WP

Chợt gặp anh. Thân thuộc, bao nhiêu câu chuyện đã chảy tràn. Anh hồi hộp kể lại những ấp ủ dự định. Cô ngồi há hốc mồm nghe. Nghe như nuốt từng lời. Anh kể như chưa từng được kể. Mắt hấp háy, giọng hào sảng. Câu chuyện xoay quanh những ý định bao lâu anh muốn thực hiện.

Cô nghe xong để đó. Anh ra về.

Lũ bạn ào tới, cô vui mồm kể hết sạch sành sanh. Anh đột nhiên quay lại. “Em, đứng dậy, rời khỏi đám đông. Tại sao những bí mật của anh lại tuôn ra hết. Lộ hết những đích đến của anh. Bích đích”.

Cô thảng thốt. Đứng dậy, rời khỏi đám đông.

Không hẳn là buồn. Cũng chẳng thấy vui. Ừ nhỉ, sao mục đích tối thượng , toàn bích của người ta mà cô lại nói ra bằng hết.

Cô không đến mức bật cười.

Mở mắt.

Ồ, mơ.

 

Tim iem lại chộn lên

7563265_orig 3522120Thỉnh thoảng người lớn cũng nên đọc truyện cổ tích. Hoặc không phải truyện cổ thì cũng nên đọc truyện dành cho trẻ con. Đọc để tìm sự trong trẻo, trong trẻo đến lạ kì. Làm người lớn đến là rắc rối. Người lớn phải vạch vòi nhau, phải cạnh khóe nhau, phải soi mói nhau. Làm người lớn tự dưng lại phải so kè, tính toán thiệt hơn. Trẻ con hóa ra chỉ cần yêu thương, thế là đủ.

Người trưởng thành không lúc nào cảm thấy đủ. Dường như đã trơ lì mọi cảm xúc. Chỉ còn duy nhất còn dằn hắt, bực bội mà thôi. Còn không thì là những cảm giác của sĩ diện, của khó chịu, của muốn mình hơn người. Người lớn không biết nhìn thấy những nảy mầm, tìm thấy những rung rinh dễ chịu.

Chúng ta – những kẻ già về tuổi đời – chứng tỏ mình là người đã trưởng thành về cảm xúc, từng trải trong công việc, hóa ra đang rất là tội nghiệp khi không biết yêu thương.

Chuyến phiêu lưu của Edward Tulane iem đã đề cập cách đây đúng 5 năm. Nhưng khi đó iem chưa đọc. Chỉ biết đó là một cuốn sách làm mọi người rung lên một nhịp đập yêu thương. Hết. Và yêu thương thế nào thì chẳng rõ.

>> Bình yên # 1

Lũ trẻ đang ở quê nội. Cuốn sách này chúng đang đọc dở. Trẻ con thì thiếu sự kiên nhẫn để đi tới tận cùng, người lớn thì thiếu sự kiên nhẫn để bắt đầu. Sáng nay, gấp sách, mắt iem ướt nhòe.

Con thỏ sứ đẹp tuyệt có cái tên Edward này thật ra chỉ là một đồ vật, không hơn không kém. Nó đẹp vì mọi người quan sát được những gì mà người thợ đã tô vẽ lên vẻ bề ngoài. Nhưng cuốn truyện thì thật sự lung linh khi đọc được những tâm sự thầm kín của nhà văn Kate DiCamillo.

Chuyện kể rằng sống trong vòng tay của cô bé Abilene xa hoa, quí tộc, nhưng nó không hiểu được yêu thương và bản thân cô chủ cũng chưa biết yêu thương. Đến một ngày, vật trang trí vô tri đó bị quăng ra khỏi nhà. Cụ thể là nó bị rơi mất xuống biển trong một chuyến du hành cùng cô chủ.

Edward không nói một lời. Kate cũng không phải cố tình dùng những chữ thật đắt, thật hoa mĩ, vậy mà chộn lên tim người đọc những rung âm.

Khi không còn hờ hững những cái ôm, Edward đã trở thành vô danh, đã rơi sâu xuống đáy biển. Tưởng như nó sẽ nằm đó tới ngàn năm. Nhưng cơn sóng đã hất tung nó lên, rơi vào trong lưới của cụ già đánh cá. Nó được trở về một vòng tay ấm của một gia đình.

Edward trải qua vài tổ ấm, nơi chỉ có hai ông bà già, một anh chàng lang thang cô đơn cùng con chó, gặp cậu bé có cô em mới bốn tuổi bệnh nặng ông bố say sưa, và trước khi trở lại vòng tay nhiệt thành của cô chủ cũ, nó phải nằm trong tủ kính của một cửa hàng đồ chơi.

Viết cho trẻ con, nên Kate không uốn éo. Trẻ con thì cần sự giản đơn, nhưng trong sự giản đơn phải có cái gì đan cài, luồn lách xung quanh đó. Kate làm được điều này.

Mùa nối mùa đi qua, thu rồi sang đông, xuân rồi qua hè. Những chiếc lá bị thổi bay qua khung cửa mở của cửa hàng ông Lucius Clarke, và mưa, và ánh sáng lấp lánh hi vọng biếc xanh của mùa xuân. Mọi người bước vào rồi đi ra, những cụ bà, những người sưu tập búp bê, những cô bé đi cùng mẹ.

Edward Tulane chờ đợi.

Nhiều mùa ghép lại thành nhiều năm.

Edward Tulane chờ đợi.

Chú nhắc đi nhắc lại lời của cô búp bê cổ cho tới khi chúng quấn thành một vành tròn hi vọng mềm mại quanh tâm trí chú: Ai đó sẽ tới, ai đó sẽ tới vì anh.

Và cô búp bê cổ đã đúng.

Một người đã tới.

Giản dị, dễ hiểu vậy thôi. Đọc xong sẽ thấy mọi thứ đâu cần phải nặng nề, thật nhẹ đi, đừng phải bận tâm nhiều nữa. Phải nói một lời cảm ơn đối với Phương Huyên người đã chuyển ngữ cuốn sách ra tiếng Việt. Quả là thơ.

Tim iem lại chộn lên với anh chàng Edward.

Cứng hàm

Cây đổ ở Hồ Xuân Hương. Ảnh: H.T

Cây đổ ở Hồ Xuân Hương. Ảnh: H.T

Sáng thứ Bảy đẹp trời, cơ quan cho đi thăm Flamingo ở Đại Lải. Lên đường sớm và tới nơi cũng sớm. Khu Resort có rừng thông mới trồng, bể bơi mới tạo và cả lòng hồ chủ đầu tư chịu khó sáng tạo, biến thành tạo sóng như biển nhân tạo. Trẻ con loanh quanh ở bể bơi hưởng thụ đã hết buổi sáng. Nhu cầu của bọn trẻ cũng đâu nhiều, chúng chỉ cần được vầy nước, được chuyện trò, quậy phá tí ti. Còn chúng chả quan tâm tới trời xanh, mây trắng và những bóng thông thơm lừng nơi vùng bán sơn địa Vĩnh Phúc.

Buổi trưa cỗ ê hề thế, bọn trẻ thích được chạy loanh quanh khám phá những vòi nút, kiến trúc của nhà cửa, chỗ nào mát, chỗ nào nóng, nước ở đâu, còn ăn thì ba vạ vài miếng. Chúng không thích hương xả thơm như xông hơi ở các khu phụ và trong mỗi tòa nhà. Tới thăm hẳn một biệt  thự đóng sao là 5 chiếc, chúng cũng xem toa lét có gì, kéo rèm trạt ra cho tràn nắng. Ban sáng còn thấy trời dìu dịu, đứng bóng buổi trưa, lại phải chờ đợi để tìm chìa khóa cổng, khóa phòng, dù cho cây có bóng mát cũng không thể nào chịu nổi, người lớn trẻ con túa hết mồ hôi.

Hôm qua ngày cả nước Việt mừng vui trước trận bán kết của U 23 Việt Nam – Myanmar thì hỡi ôi, buồn nỗi, họ lại thua mới đau. Biết là phải chờ tới 2 năm nữa cho một lần phấp phới hi vọng, nhưng cũng thấy hay, vì như vậy mới bớt những công kênh, nhưng tung hô quá sớm cho một điều gì đó.

Khu Resort cách Thủ đô chừng 50 cây số. Có điều kiện cuối tuần về đó nghỉ ngơi thì thật tuyệt. Xe riêng có, tiếng rưỡi là tới nơi. Có điều vì là khu mới nên mọi phí thu thấy cao, như một biệt thự hai buồng ngủ, thuê một đêm một ngày chừng 3 triệu. Nếu đi tàu sang đảo chừng 20 phút, chỗ cho 8 người, 7 triệu đồng. Với những thu nhập kha khá, khoản này cũng chả đáng là bao, nhưng với dân lao động công sở trung bình thì cũng là điều… để cân lên, đặt xuống.

Cây bứng gốc ở đầu giao Hồ Xuân Hương - Bà Triệu. Ảnh: H.T

Cây bứng gốc ở đầu giao Hồ Xuân Hương – Bà Triệu. Ảnh: H.T

Chiều trở lại Thủ đô sớm, vậy là cũng gần hết một ngày nghỉ ngơi. Non ngày hơi ngắn, bọn trẻ vẫn thấy tiếc không được tiếp tục ngâm nước, người lớn thì thấy thiêu thiếu khi chưa kịp hưởng cảnh rừng chiều và đêm dần xuống. Lãng mạn mong chờ ở đó chứ ở đâu.

16h45 trên đường Âu Cơ, chiếc xe du lịch 45 chỗ đang phóng với tốc độ cao về thành phố. Trời tối sầm. Ngồi trong xe thấy bác tài đã tắt điều hòa, không khí lạnh rất nhanh. Chừng mười lăm phút sau, cảm nhận của gió mạnh như vờn trên mặt sóng nước Hồ Tây. Những chiếc xe đạp điện, xe máy gá tạm cạnh lan can ở Hồ để người vào chỗ trú mưa. Một số người vẫn tranh thủ selfie trước khi mưa xuống.

Mưa ập xối xả. Ngang qua lối tam giác Phan Đình Phùng, Thụy Khuê, Thanh Niên vẫn nhìn thấy một ông già mặc áo mưa giấy, ngồi im phắc nơi ghế đá. Xe trờ tới đoạn giao Điện Biên Phủ – Hoàng Diệu, một cành cây khá to rơi rắc xuống trước mặt. Chiều dài của đoạn cây đủ lấp gần kín chiều ngang đường Điện Biên Phủ. Xe dài, quay ngược lại để chuyển về hướng Hoàng Diệu khá khó. Bác tài thấy vẫn bình tĩnh, không một lời thắc mắc mưa to, sốt ruột. Xe vẫn từ từ tìm đường trở lại cơ quan.

Ngồi trong xe kín bưng, hành khách không thể nào nghe được gió rít, nhưng cảm nhận được sức mạnh của gió, giông. Không hành khách nào được chứng kiến trực tiếp cây bị thiên nhiên bứng gốc, những cành nhỏ của cây xà cừ, cây bàng, cây liễu đều bị giống như ai phát dao, hoặc vặt trụi, tơ xước.

Chỗ cây to đổ ngang đường, chắn lối ở Nguyễn Thái Học, Điện Biên Phủ, Lý Thường Kiệt, cây đổ vào phía nhà dân ở Hàm Long. Nặng nhất chính là tam giác Hồ Xuân Hương – Quang  Trung – Nguyễn Du, đổ liền 4 cây cổ thủ. Góc phố nào cũng nhìn thấy lá xanh của cây đổ tràn. Xanh úp, xanh ngửa. Ngồi trên xe ô tô lướt qua những con phố cảm giác như đang được xem một bộ phim quay chậm của một thành phố xảy ra chiến tranh. Như những quả bom bị đổ xuống, phân tán, tung gốc và lá vãi.

Cũng chỉ chứng kiến được những chiếc xe ô tô kẹt trong cây, người chết đã được ai đó tốt bụng che chiếu, nhưng mắt quét tới đâu, cảm giác như mặt cứng lại. Cứng bởi sợ hãi, cứng bởi đau thương. Không đến mức những giọt nước mắt sẽ rơi, nhưng sự bất lực trước thiên nhiên hung dữ là quá rõ. Lũ trẻ con sợ sệt cũng chỉ dúm người, e dè khi phải chui qua những cây đổ. Nhưng người lớn đã chứng kiến thì một lần khó có thể nào quên.

Sự việc đã xảy ra rồi, khó mà cứu vãn. Nhưng cần những cảnh báo giông tố thật tốt và chính xác từ Cục khí tượng Thủy văn, cần Công viên cây xanh làm tốt công việc thị sát kiểm tra cây trên những con phố của thủ đô. Mạng người và cảnh quan của thiên nhiên cần lắm cho cuộc sống này.

Quả là mỗi lần chứng kiến là một lần cứng hàm.

😦

Ảnh: H.T

Ảnh: H.T

Run rẩy

Rise-up-and-Dance-3

Ai đó đã từng trải qua cảm giác run rẩy chưa?! Một lần trong đời chắc chắn có. Cái cảm giác cứ như đẩy sóng, lan truyền trong cơ thể. Nó không phải là cảm giác của sợ sệt, của lo lắng, của trầm uất. Nó là cảm giác của vui sướng, tràn trề và cảm giác như san sẻ niềm vui cùng với bất kì ai, với bất kì người nào.

Mình đang nói tới cảm xúc của mình khi xem bộ phim “Hãy đứng lên và nhảy đi nào!” (Rise up and Dance) của điện ảnh Áo chiếu tại LHP Châu Âu 2015 đấy.

Khoáng đạt về mặt không gian. Câu chuyện đặt ở một vùng núi của nước Áo hùng vĩ. Trải dài trước mắt con người nhỏ bé là một khoảng rộng của núi đồi, của cỏ xanh, cũng như những gì thuộc về tự do. Cái không gian trước mắt kia chính là hạnh phúc.

Anh chàng đẹp trai (đạo diễn Áo cũng khéo chọn) cho nhân vật Markus. Phải nói là đẹp tới chừng xăng ti mét. Cô cử nhân kinh tế Romi thì không hề xinh xẻo, nét mặt cô thô nhưng mà cá tính.

Mỗi ngày thức dậy vào 5 giờ sáng, Markus phải nhặt cỏ khô chăn bò sữa, vắt sữa, đưa sữa. Chiếc xe gắn bó với anh là một chiếc xe tải. Đặc biệt, trên đó gắn một máy nghe nhạc, để anh có thể bật nó lên và tung tẩy, nhảy nhót và giải tỏa mình bất cứ khi nào.

Ở Markus tồn tại hai con người. Một chăm chỉ, khắc nghiệt, chỉn chu khi làm việc. Một bay bổng, lãng mạn, sexy khi thả ra những bước nhảy của mình.

Cô Romi đang nợ nần kia đã từng có một cô con gái ba tuổi. Đang cặp với anh chàng trưởng nhóm dự án kí kết với những người già cả, tàn tật. Cô lầm lì, cáu kỉnh, nhưng lại thiếu kiên nhẫn. Cô cũng chỉ là chính mình khi được hững hờ, được thả lỏng và xoay chuyển thân mình.

European-Film-festival-2015-Rise-up-and-dance

Phim xem trên màn ảnh rộng, chiều rộng chừng 5 m, dài chắc hẳn hơn. Phim phải đọc phụ đề vì nhân vật chính nói tiếng Áo. Nhưng thực sự là mình run rẩy khi nhìn thấy anh chàng Markus biểu hiện một sự chăm chú, một cái nhìn đến hút hồn vào Romi lúc cô nhảy đơn côi trong đêm tối.

Họ cũng cãi vã. Họ cũng làm lành. Họ đã gặp biết bao biến cố. Nhưng kết lại, họ đã tìm thấy bên nhau trong một điệu nhảy kết đôi. Điệu nhảy đó họ đem dự thi trong một cuộc thi để có món tiền thưởng, mong giúp cho tình trạng nợ nần của cả hai người.

Một vũ điệu của đam mê, cuồng nhiệt. Phim rất trẻ khi có những vũ điệu. Phim rất thành thực khi họ nói về chuyện “chưa ra chợ đã hết tiền”. Phim rất chính trị khi làn sóng phản đối để bảo vệ môi trường. Phim cũng thực đến rất đời khi cậu con Markus biết rằng cha mình dính vào vụ giết ngài thị trường, anh đã gọi để báo cảnh sát. Nhưng cuối cùng tình trạng hen suyễn của cha đã làm anh đổi ý.

Cứ mỗi cảnh xem, mỗi một hành động lại khiến mình run rẩy. Cái run rẩy khó nói được thành lời. Với một bộ phim chắc khó có thể thay đổi được suy nghĩ của mình, hay của ai đó, nhưng đủ để trải qua một cái cảm xúc run rẩy mà rất thực trong đời.

Nói chung là khó tả. Cơ hội vẫn còn cho ai muốn xem màn ảnh rộng bộ phim “Hãy đứng lên và nhảy nào!” 18h, 18/5, tại 87 Láng Hạ, Hà Nội 20h, 22/5, Cinebox 212, TPHCM.

Hãy thử xem bạn có run rẩy giống… mình!?

Rise-up-and-Dance-4

Rise-up-and-Dance-5

Quay về

  • "nothing remains". Nguồn ảnh: WP

    “nothing remains”. Nguồn ảnh: WP

    Cô T. ơi, nhà phía đằng sau hôm nay mở cửa để làm giỗ đầu cho thằng con trai đấy!

Cô giúp việc sát bên nhà mình thông báo lúc mình khóa cửa để đến cơ quan, bắt đầu một guồng quay công việc.

  • Vậy hả cô? Cậu con trai lúc mất mới mười mấy cô nhỉ?
  • Đâu, hai mươi mốt rồi. Giỗ con nên bà mẹ về nhà. Cả năm nay cô ấy đi thuê nhà, dọn dẹp nhà cửa cũng một tay cái Huệ.

>> Tọc mạch

Ngôi nhà phía sau khu tập thể nhà mình. Nhà riêng. Đúng là gần như vắng bặt tiếng người. Hiếm lắm mới có tiếng lạch cạch mở cửa. Trước khi đi thuê nhà, cô chủ nhà đã sửa chữa, dọn dẹp lại rất nhiều. Nhưng sự hoang lạnh vẫn còn tồn tại.

  • Chồng cô chủ mất trong tai nạn giao thông, ngay sau đó là bố chồng và cậu con trai thì bị giết ở bên Singapore.
  • Tội quá, thảo nào mà cô ấy không dám ngủ ở nhà. Nhưng nhà của cô ấy mà, phải về chứ cô nhỉ?
  • Thì tôi cũng nghe nói, sau ngày giỗ con, cô chủ sẽ trở về.

Cô giúp việc tốt tính đó còn tâm sự nhiều nhiều nữa. Vì cô và cô giúp việc của nhà kia có trao đổi nhiều. và cô kết một câu chắc nịch:

  • Cô ấy đi thuê ở ngoài cả chục triệu nhưng chật chội lắm, nhà thì rộng thế sao chả về, cô T. nhỉ? Đúng là NHÀ GIÀU CŨNG KHÓC!

😦

>> Toại lòng nhau

Gai

Ngắm hồng chứ ai chú ý tới gai! Ảnh: H.T

Ngắm hồng chứ ai chú ý tới gai! Ảnh: H.T

Gần như giống hoa hồng nào cũng có gai. Em đẹp, em có quyền kiêu. Hồng có gai là hồng có một thứ hương. Gai của em mọc trên thân, giấu dưới những chĩa lá. Gai giống như một hình tam giác nhỏ. Đầu gai rất nhọn, cầm không chú ý, hoặc chẳng biết cách cầm thể nào cũng đụng phải gai.

Gai chọc vào rồi, thịt sẽ nhói. Nhói mà đau. Gai còn chắc thì tay rút, ngay còn nguyên trên thân. Có những gai hồng vẫn nằm nguyên trong phần da thịt. Nó tấy, nó sưng và khiến cho sốt phần phật. Dĩ nhiên một nút gai chẳng đáng kể là bao. Đau rồi cũng sẽ lành, bị gai châm thì lần sau khỏi đụng tới hồng là phải chú ý gai.

Hi hi, mình kể chuyện sáng nay cắm hoa hồng thôi. Bất cẩn tí gai cắm vào tay, thế là cũng bực mình tí chút.

>> Ả – niềm đau

Mình cũng rõ có loại cây tầm gai. Cũng chả rõ thực sự nó thế nào, chỉ biết nàng Eliza trong câu chuyện cổ tích thiên nga xưa lắm. Nàng dệt mà gai đâm vào tay chẳng được kêu, chẳng dám thốt lên lời. Nàng dệt để giúp 11 chàng hoàng tử, các anh mình, trở lại vóc người.

Ở đời, có một số người đột nhiên lọt vào tầm ngắm, trở thành cái gai trong mắt của ai đó. Điều đó thậm nguy. Nhưng biết sao được. Gai hay không gai cũng chỉ là thứ vô tri thôi mà.

(Nhảm nhân một ngày bực bội)

 

Sóng

;) nguồn ảnh: Internet.

😉 nguồn ảnh: Internet.

Nhớ lần đầu tiên mình được chạm biển. Được rón chân trên cát chuội dưới nước. Biển trong khi không có sóng nhìn rõ những đọt cát, những vết chân còng. Sóng lên vuốt cả, mọi thứ cát phẳng lì. Xóa mọi dấu vết.

Ra càng xa, càng ít sóng. Đứng gần bờ sóng lộn, sóng trào. Xa bờ sóng lặng, nước trong, chỉ là những lọn nước nhỏ. Ngay mép bờ, sóng gầm gào, nghe rõ tiếng sóng lúc thủy triều lên. Cũng là mép biển mà sóng chỗ này chỗ khác. Cũng dải đất này, nhưng vùng nơi khác, nước biển rất khác – rõ rệt.

Sóng biển ngàn năm vẫn vỗ. Sóng đẹp đến hoàn hảo trong tình yêu thủy chung nơi thơ Xuân Quỳnh. Sóng dữ dội đôi khi nhấn chìm những con thuyền đánh cá của ngư dân ra khơi. Sóng dữ, sóng hiền – đủ hết.

Xuống biển nghỉ mát, ngắm sóng cũng là một liệu pháp để thư giãn.

Ngư dân rất sợ cơn sóng, những cuộn sóng bất ngờ từ lòng biển vút lên. Những cơn sóng ngầm.

Lòng người cũng sợ lắm những cơn sóng. Dội về, xa xăm. Kìm con sóng từ thiên nhiên là không tưởng. Sóng trong lòng còn khó tới vô chừng.

Sóng ơi, thôi đừng dội.

Sương khói

Ảnh: Internet.

Ảnh: Internet.

Đầu hè nắng đẹp. Gió mạnh nhưng mát lịm người. Lá xà cừ lắc rắc rải vàng như thảm lối đi. Nắng khô ráo, lá tựa như một bức tranh vàng điểm tô cho lòng phố. Nhưng lòng mình lại nhớ về khói bếp của bà nội xưa. Ngày đó, bếp bao giờ cũng ở vị trí cao nhất, bếp có độ cao ngang đê và sát cạnh đê. Bếp khi đó con con, chỉ là một cái kiềng dài suốt chiều ngang, đủ đun vài cái nồi gang to đùng cơm, cá, hoặc bắc được cả nồi bánh chưng cho cả nhà.

Khi đó chủ yếu đun bằng rơm. Tết mới có củi đun. Cơm bà vần bằng bếp rơm, đa phần là khoai hoặc sắn, nhưng cháy dưới đáy nồi thì ngon thôi rồi. Cơm đó mà trộn với nồi cá chú đơm được vào sông, hoặc mớ cá đổi bà dim tương đun kĩ thật mặn. Cơm chả đủ để ăn cho xong nồi cá của bà.

Cầu kì nhất là lọ tương của bà. Bà ươm kĩ đậu nành, tuốt bỏ lá, phơi đủ nắng. Sau đó bà luộc đậu, ủ men, từ bà dùng là giặt men, đủ độ. Tương của bà khá mặn. Nhưng tương ăn là lành nhất trên đời. Tương bà làm thường chỉ vỡ đôi hạt đậu, không xay nhỏ hoặc xay vỡ ra như mẻ tương mẹ chồng mình làm hiện giờ. Ăn có độ bùi, độ giòn, độ thơm của hạt đậu nành. Hè nóng như rang, rau muống sông luộc vừa chín tới, nhớ bỏ vài hạt muối cho rau thật xanh, thật mát mắt, thật giòn. Khi đó rau chấm với tương của bà, bỏ thêm chút đường, nguấy đều, ôi ngon rụt lưỡi (!)

Mình nhớ tới bà. Nhớ nhất hũ tương bà làm. Nhớ mà như thấy khói bếp đó cay cay nơi khóe mắt.

Mới hôm qua đó thôi, cũng đã tròn hai năm một đồng nghiệp qua đời. Cô ở đó, chắc vẫn xinh đẹp, giòn tươi, nhưng có ai đó nhớ tới thì cô còn hiện hữu, còn không chỉ vẫn như sương khói… quẩn trên trời chốc lát rồi tan.

Chủ nhật rồi, nhận được điện thoại của một cậu bạn. “Chị à, anh Ch. đã lấy vợ rồi, vợ cũng đã có bầu”. “Ơ, G. mới mất có chưa tròn 3 năm mà”. Mây đó trời kia mà tự dưng thấy như ai đó bít kín mắt mình.

Mình nhớ, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói từng viết trong “Sương khói quê nhà”, đại loại, ông muốn dẫn bà dịch giả người Nhật đi thăm lại khu chợ Đo Đo trong Mắt biếc ông đã viết lại, nhưng chúng đã xây mới, đã di dời chỗ khác. Ông bảo: Khó sao dẫn mọi người đi thăm được kỉ niệm trong lòng mình.

Khó thật!

😦

Mộc lan

Alys Fowler: magnolias

Có những lúc lại rơi tõm vào trong một tâm trạng như thế này. Muốn viết một cái gì đó. Nhưng cứ bắt đầu viết lại thấy tắc tị. Viết rồi lại xóa. Vì không tìm cách nào để biểu đạt thật rõ tâm trạng mình.

Nó là một sự bế tắc ư? Chẳng phải. Bực dọc không lẽ? Càng không. Buồn chăng? Cũng không nốt.

Nó là một cái gì đó không diễn tả nổi bằng lời.

Và cũng giống như ngắm nhìn những bông hoa mộc lan kia. Màu hồng thật tinh khiết. Đẹp tới mênh mang. Hồng trong suốt. Bật nền trắng bông của mây. Cái khoáng đạt, cái rực rỡ của thiên nhiên. Của loài hoa mà nở rực một góc vườn, thanh thản.

Giống hoa này được gọi là mộc lan sao (Star magnolia), hoa nở vào tầm tháng Tư – tháng Năm, sau đó lá mới trổ. Hoa cánh rộng, hình như hoa tulip, màu trắng, phớt tím hồng. Chưa rõ ở Việt Nam mình đã có, nhưng giống hoa này từ Trung Quốc, được trồng trong một khu vườn ở Anh.

Có những điều ta chỉ buông thõng một câu: Đẹp.

Không có gì tả thêm và rõ cho cái chữ Đẹp lung linh hoàn hảo kia.

Và cũng giống như tâm trạng của mình hiện giờ.

Khó tả.

😀

Chui

Hình minh họa. Nguồn ảnh Greenbier's Bunker.

Hình minh họa. Nguồn ảnh Greenbier’s Bunker.

Mình có một chuyến đi, kiểu như đi phượt cùng một ông bố và một cô con gái. Đến nơi nhận phòng thì cô con gái đó khóc rất to. Hóa ra anh thường xuyên cho con gái đi đến đây, ở đây trong một phòng trọ rất lạ kì.

Phòng trọ đó rất như một cái hộp, những mặt tường có những ô thoáng giống như những cái ô ken vào nhau, bên ngoài bên trong không hẳn thông thống, nhưng có thể nhìn thấy nhau. Phòng trọ minh bạch.

Cũng không được bước vào phòng, không được tận thấy bên trong. Cô con gái khóc kinh quá, anh dẫn nó đi tìm nơi trọ khác. Lúc này mới giống như một chuyến khám phá.

Cô con gái mở nắp, bước xuống dưới. Phòng trọ mới giống như một căn phòng, cũng giống như chui xuống bể ngầm. Lối chui vào đủ rộng cho một người lên và xuống. Nắp hầm bằng tôn hoa.

Tới nơi, căn phòng như nở ra, với rất nhiều những lối cầu thang nhỏ, đi lên, xuống, rẽ trái phải. Kèm cạnh là những biển chỉ dẫn gồm mũi tên, con số. Chỉ dẫn rất rõ ràng, mình mang máng đâu như là số 243, rồi 8, rồi tới cửa phòng.

Không cũng không lí giải nổi sao là những con số đó hiện ra. Cũng không hiểu vì sao lại chui lọt xuống được một phòng trọ lạ kì như thế. Cái phòng trọ mà dường như liên tưởng mới diễn ra một cuộc tiêm chủng dành cho trẻ em.

Mới tới đó, chẳng rõ sao cô con gái của anh hết khóc. Chẳng được kịp tới tận cửa phòng trọ để vào trong.

Tỉnh giấc!