Em níu

Ảnh: H.T

Ảnh: H.T

Năm cánh xòe trắng muốt

Hoa thành chùm treo chuông

Nhụy rủ, cánh giữa vươn

Sáng bừng, ban công nắng

Dạ Minh Châu, em níu

Lạnh lẽo của mùa đông

Hoa trắng như uốn dẻo

Em tìm nẻo xuân về

Lủng lẳng nụ đỏ mê

Em níu thêm mùa cũ

Xen kẽ xanh-trắng-đỏ

Dẫn lối Tết đang về

Hoa đang độ, đương khoe

Nở dần tinh khôi trắng

Em níu hồn ai ngắm

Sắc đẹp của đương thì.

                                                          @Jan.N.H.T.2015

o_day_co_nangĐọc xong một cuốn sách và muốn viết gì đó, nhưng sao thấy khó. Cũng giống như ngồi nghe cả 2 tiếng đồng hồ và muốn viết ngay nhưng lại ngập ngừng. Tâm trạng khiến cho mọi thứ ngưng trệ.

“Ở đây có nắng” truyện phim của Việt Linh. Đúng là một kịch bản phim rành rẽ. Phim được bày ra từng phân cảnh. Rõ ràng từng chi tiết, kể cả tâm trạng của người trong nhân vật cũng dễ dàng cho diễn viên nếu đọc kịch bản. Dễ thật. Nhưng nội dung của câu chuyện thì dường như không dễ.

“Ở đây có nắng” là chuyến du hành trở lại tìm cha mẹ đẻ của mình của chàng trai đã trưởng thành Phan Sinh. Anh trở về TPHCM để tìm lại gốc tích, tìm lại kỉ niệm mà cha mẹ mang theo chỉ là những bức kí họa, hai cái tên và một địa chỉ.

Phan Sinh chỉ là một nhân vật chính trong hơn chục nhân vật mà tác giả Việt Linh tạo ra. Nếu ai đã đọc những tạp văn của chị, sẽ thấy dường như đâu đó có chi tiết quen quen. Đó là những cuộc tình mà thật là ngang trái. Những cảm xúc nhẹ mà nặng ở phía sau. Nó nhẹ với chi tiết đưa ra và nó đem lại sự nặng, về chất lượng thông tin, về suy nghĩ đối với người đọc và lĩnh hội nó.

Tưởng chừng như thông điệp Việt Linh đưa ra là đơn giản, nhưng hóa ra rắc rối, đan cài và mở vô cùng. Nói vậy không có nghĩa “Ở đây có nắng” nặng nề, đọc một lèo từ đầu tới cuối. Bối cảnh của nước Pháp thơ mộng, của rừng Sác nghiệt ngã với những cuộc chiến, của cảnh nghèo dân đô thị Sài Gòn, tất cả rõ ràng, dễ hiểu. Và phải đọc tới chương cuối cùng mới hiểu được vì sao tập kịch bản phim này lại được xuất bản thành sách, mang hơi hướng của tiểu thuyết.

Bao trùm tất cả “Ở đây có nắng” là một sự thứ tha, một tiếng reo vui cho tình thân tìm lại, tình thân không có nghĩa của những người chỉ mang máu mủ ruột rà.

(Và cũng lí giải vì sao, viết về Việt Linh mà mình lại để dấu ba chấm lửng […])

😀

Nhăng cuội sáu tám

Hình chỉ có tính minh họa. Nguồn ảnh: WP

Hình chỉ có tính minh họa. Nguồn ảnh: WP

Chuyện gì hỡi tán cây ngọn cỏ

Không đâu gì chuốc bực bõ vô mình

Thương thay kẻ nói linh tinh

Bực thay mình lại dính mình chuyện hâm

Ước lúc đấy thành người câm

Để cho kẻ “hách” bớt đâm vào mình

Đã ghê sợ, lại thêm kinh

Tốt nhất là loại đó, mình… tránh xa

Thôi thì chuyện của người ta

Liệu mình có thể ba hoa “giúp đời”

Vài lời góp đó, chuyển hộ tôi

Đến với kẻ mới “tót vời” – ta đây

@N.H.T.Jan.2015

Dằng dặc đợi chờ

Tâm trạng chờ đợi! Nguồn ảnh: WP

Tâm trạng chờ đợi! Nguồn ảnh: WP

Mình nhớ ngày bé, nhà nghèo, chẳng có gì, cơm thì cũng chỉ có cá khô, hoặc bột mì rán. Nhà có lọ đường đỏ mẹ để trong chạn, thèm ăn quá vậy là gói trộm một chút vào tờ lịch xé trên tường. Gói đường cũng chỉ đủ vừa một nhúm vì lọt lòng bàn tay mình. Tay phải ôm cái cặp bằng vải dày mẹ may, tay trái ôm chặt trong lòng tay chút đường vừa trút ra từ lọ của mẹ. Cái khoảng thời gian nhìn đồng hồ đến giờ để lên đường đi học thôi, cũng đồng thời là được ăn chút đường đó. Ôi nó mới ngọt ngào làm sao. Cái thời gian chờ đợi có xíu thôi mà nó lâu lâu tệ. Nhưng tệ hơn nữa là mẹ phát hiện ra và kết quả là ăn một trận đòn lên bờ xuống ruộng.

Hôm nay, ngày chủ nhật đối với mình lại vướng phải tâm trạng chờ đợi. Chờ để lời hứa của tháng trước mà chả thấy đâu. Có lẽ phải chủ động nhắc nhở lời hứa đó vậy. Quan trọng hơn là có lời hứa sẽ email lại cho mình, mình đã giục mà vẫn cũng chưa thấy. Chờ đợi thấy dằng dặc, thấy lâu lắc, xa vời.

Khi phải chờ đợi khiến hay tự vấn. Mà tự vấn là dằn vặt. Khi dằn vặt lại thấy mình làm chưa nổi điều gì. Khéo cứ như AQ lại hay, nhưng phút này AQ sao chẳng nổi.

Lúc này, chỉ ước trước mặt là một thảm cỏ, hoặc một cánh đồng lúa đang thì con gái. Hihi, giờ mới bắt đầu gieo mạ vụ chiêm thôi. Ờ nhưng vẫn cứ ước. Ước để thấy cái xanh mát, dịu đi chờ đợi mỏi mòn. Nói đùa vậy thôi, cái trả lời bao giờ cũng cần có thời gian, nhưng vì mình mong ước quá khiến cho mới có một ngày hơn mà đấy sao như hàng thế kỉ.

Dằng dặc đợi chờ!

😉

Em giấu

Bức Kew Gardens của Jason Brooks. Nguồn ảnh: Theguardian.co.uk.

Bức Kew Gardens của Jason Brooks. Nguồn ảnh: Theguardian.co.uk.

Em giấu niềm thương vào trong tia nắng

Khi thoắt đã bừng, lúc lại hanh hao

Em cất niềm đau vào mưa giăng bụi

Mưa trắng xóa trời, mưa ngập phố xa

Em ẩn nụ cười sau chiếc lá la đà

Xiên nghiêng lấp lóa, đầy cả lối

Em khẽ cười xòa khi anh nông nổi

Đèn giăng sáng lối, phố đã nhập nhòa

                                                                            @Jan.N.H.T.2015

Một chữ yêu

Không phải ai cũng biết yêu như nữ đạo diễn Việt Linh lí giải. Nguồn ảnh: Internet.

Không phải ai cũng biết yêu như nữ đạo diễn Việt Linh lí giải. Nguồn ảnh: Internet.

Còn hơn tháng nữa là Tết. Về mặt định hạn thời gian thì ai cũng thấy hối hả chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy, thong dong. Mình thì không phải vội vã gì, Tết thì vẫn tới. Nhưng cái tâm trạng của rốt đuổi, hanh hao, khiến cho mình cũng bực bội, khó giải thích được tâm trạng của mình.

Đến khi gặp “Năm phút với ga xép” – tạp văn của đạo diễn Việt Linh thì hết hẳn. 80 mẩu tạp văn, chị không xếp theo định vị thời gian, cũng không theo một chủ đích gì. Chị viết lời đầu sách: “… là tuyển hợp những bài đã đăng trên báo, chỉ khác, thay vì sắp xếp trật tự theo ngày tháng từ cũ đến mới, lần này, trừ sự cố ý cho bài đầu tiên và bài kết sách như một sự khuynh cảm nhân sinh, tôi buông theo thứ tự chữ cái. Với suy nghĩ, biết đâu sự buông này lại bất ngờ cho ra hiệu ứng níu lại…

Nhìn theo những thời gian tác giả chốt lại cuối mỗi tạp văn, thì đây là tập hợp chị viết từ 2011 đến 2014. Chủ yếu xuất hiện trên tạp chí Đẹp, Kinh tế Sài Gòn, Sài Gòn doanh nhân, Sài Gòn Tiếp thị, Tuổi trẻ… Vì thế, Việt Linh viết về kiến trúc, không gian, về góc nhìn điện ảnh. Đan xen điểm phim và mắt nhìn của đạo diễn, dung dị, dễ gần.

Chị viết về bản thân chị, cuộc sống của chị và những người xung quanh chị ít, đa phần là tổng kết, điểm hộ, nhưng qua nhân sinh quan của chị.

Cái giỏi ở chị chính là những cái tựa tạp văn ngắn, bâng quơ. Chỉ có đúng 4 bài là đặt dấu chấm hỏi phía sau tít. Chị giải thích: “Thật không tiện khi cái tựa có dấu hỏi, và mơ hồ một câu hỏi thiếu định lượng, nhưng nó bùng lên trong trí chị…” khi viết Tiền có nhiều không?”.

 Ngôn ngữ của chị sệt Nam bộ. Mình vẫn thích Việt Linh từ 2008. Những cuốn trước chị nói về mình và bạn ngay sát kề bên cạnh ở Pháp. Nay chị viết về những người bạn, qua phim, qua điểm báo. Chúng vẫn hay, độc và lung linh. Riêng mình, giờ vẫn nghiêng về thích “Chuyện mình – chuyện người” của chị hơn một chút.

Tuy nhiên, ở cuốn mới vẫn là cái góc nhìn rất riêng của chị. Lạc quan, 95 tuổi ông (đạo diễn Phạm Kỳ Nhậm) vẫn ngày ngày chăm lo hàng trúc trong sân, ra biển bằng chiếc xe đạp năng lượng mặt trời tự chế. Nhiều năm nay, ông sống một mình; mỗi khi mệt, ông thay quần áo đẹp “sẵn sàng” cho thế giới bên kia. Vậy rồi sáng ra lại sống, lại ra biển…Trên đầu giường ông luôn có tờ giấy in chữ vi tính, rằng nếu ông không thức dậy thì xin gọi các số này… Bên dưới là hàng chữ to hơn, màu đỏ, từ chối nhà thương dứt khoát mà khôi hài: Pas d’hopital = Zéro! (Hai thế giới và ông đạo diễn 95 tuổi, Việt Linh, 24/9/2014, trang 111).

Việt Linh xưng chị, chị viết về các em/cô/bác/ông. Cái xưng không trịnh thượng mà ngọt ngào, ai đó là độc giả hơn tuổi không hề thấy bị xúc phạm. (Dĩ nhiên mình ít tuổi hơn chị, thấy như thoải mái, thủ thỉ).

Chị khiến mình tự thấy phải đặt câu hỏi cho riêng mình. Một câu hỏi để có thể tìm ra lời giải đáp hoặc là tự dưng thấy mình phải khác, phải chuyển trong cư xử của chính mình.

Chị viết không khiên cưỡng, không nặng nề. Chị viết như cái dòng chảy suy tư trong chị lặng lẽ, mải mê.

Đọc chị, thấy Việt Linh chịu khó đọc báo, ghi nhớ nhiều và rất có trật tự ngăn nắp. Mỗi tản văn của chị đọc trong năm phút, nhưng là dào dạt những cảm xúc, thông tin. Phải đọc từ đầu tới cuối mới hiểu rõ ý đồ của chị, cứ phơn phớt thử đọc khẩu cuối, đoạn giữa hoặc vài câu đầu, chắc chắn là không thể biết điều chị đang cần nói, chuyển tải đâu (!)

Đợt này, ngoài “Năm phút với ga xép”, Việt Linh còn thêm một truyện phim “Ở đây có nắng” ra mắt cùng thời gian. Chị nói có thể ai đó khuyên chị chuyển hẳn sang thành tiểu thuyết, nhưng “đây là một bộ phim truyền hình trên giấy, của một người mất cơ hội hành nghề đạo diễn, nhưng vẫn khát “làm phim” qua chữ. Tử tế, lôi cuốn như mục đích ban đầu” – chị viết đấy.

Và bắt đầu khám phá tiếp tục Việt Linh thôi, chị yêu viết, còn mình yêu văn chị.

😀

Đầy ắp ý tưởng

Năm mới, năng lượng mới. Nguồn ảnh: Theguardian.co.uk

Năm mới, năng lượng mới. Nguồn ảnh: Theguardian.co.uk

So với lịch của chúng ta, những người Việt, năm mới Ất Mùi chưa tới, nhưng Công lịch thì năm mới đã qua được trọn tuần. Năm nay, 2015, tự dưng mình chả nhớ là mình cần tổng kết gì, sẽ phải ấp ủ thực hiện gì. Vì hình như mọi thứ vẫn hệt như năm cũ, vẫn chưa là một bước tiến gì mới mẻ cả.

Đến sáng nay, nhìn thấy tấm hình này. Một chiếc tách trắng, đĩa trắng tinh. Trong lòng nó chứa một thứ súp (đoán có thể là bí ngô và chút cọng hành, hoặc mùi). Chỉ là nhìn thấy một tấm hình, là tương phản màu sắc, đẹp cùng cảm quan tự nhận thấy đó là một món súp ngon. Vị của nó thì chỉ có người nếm mới nhận được ra thôi. Rõ ràng, vẫn chỉ là bề ngoài, nhưng ít ra cũng đã thấy yêu mến nó. Món súp hay tấm hình nhỉ?!

Bài viết nằm trong chuyên mục Food (thực phẩm) của tờ Guardian. Tầm thường như mọi bài viết và sự quan tâm về ẩm thực khác, nhưng nó to tát ở chỗ chính cái tiêu đề: “Soup in a cup: top convenience food or the end of civilisation? – taste test” (Súp trong tách: Thực phẩm tiện lợi tối đa hay chấm hết của nền văn minh hóa? – kiểm tra vị giác). Và thực khách tha hồ có cơ hội được nếm, được bình phẩm và dĩ nhiên mới có chuyện để nói.

Riêng mình, mình thấy bức hình hay câu chuyện chỉ giống như một thứ kích thích mới. Kích thích cho đầy thêm những ý tưởng trong đầu. Nên nhìn mọi thứ thật mới, thật sáng, giống như một năm mới đã đến, tràn đầy năng lượng.

Và khi đã được nạp đầy pin, giống như sức khỏe căng tràn, ý tưởng mới sẽ cứ từ từ tới.

ĐÓN CHÀO NĂM MỚI.