Bán chữ

1 tiểu thuyết = 3 truyện dài. Nguồn ảnh: NXB Trẻ

1 tiểu thuyết = 3 truyện dài. Nguồn ảnh: NXB Trẻ

Ngày đẹp trời mình tới quán cà phê. Không phải để uống mà để nghe bàn sách – “Những câu chuyện trên đường” – về nhà văn Hồ Anh Thái và các tác phẩm của anh. Rất thú vị.

Nhà văn hiện đang là ông sứ ngồi tại Iran nên không thể về dự và đàm đạo cùng mọi người. Tuy nhiên đáp lời là một bức thư ngắn gọn – khả năng là email – đại ý như Hồ Anh Thái đã rời khỏi cuộc nói chuyện trước mọi người mọi chút, và vô cùng cảm ơn với những tình cảm ấm áp mọi người dành cho.

Không gian trong phòng hơi nhỏ, đủ chỗ cho khoảng non bốn chục người. Tiếng nói của khách mời qua mic khá to, nhưng kèm theo vẫn có thể nghe thấy được tiếng lách cách của tách chén, tiếng đáp lời những yêu cầu của khách. Kể thì cũng có chút đáng yêu khi được nghe chuyện bếp núc của quán cà phê, nhưng giá như chả có thì… hơn.

Hồ Anh Thái nhận được rất nhiều lời khen, kể cả chê cũng hàm ý khen trong đó.

Khách đến dự đều với lòng yêu mến tác giả. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhắc đi nhắc lại chi tiết hài hước, “cuộc nói chuyện này đã được truyền hình ghi lại và sẽ chuyển sang tận nơi cho anh Hồ Anh Thái”. Quả nếu như anh được nghe lại, chắc hẳn sẽ vô cùng xúc động. Mọi người phục anh ở sức viết, khả năng tôn những người viết khác qua khâu biên tập, rất trân trọng hồi âm những thắc mắc đòi hỏi trong nghề viết và chỉ băn khoăn liệu giọng của Hồ Anh Thái giờ đã nhàm, đã quen, liệu đã cần phải chuyển giọng qua một tông khác?!

Và mình thích chi tiết của nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam khi nói, “Những đứa con rải rác trên đường” của nhà văn Hồ Anh Thái gây cho tôi nhiều ấn tượng, mọi người có thể đọc sau, mượn để đọc… nhưng tốt nhất là mua thì tốt hơn. (Cả khán phòng phì cười).

Sau màn giới thiệu của nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái cũng về cuốn sách thì chắc chắn mọi người sẽ bỏ tiền ra mua. Mà sách thì phải mua đọc mới… sướng! Dĩ nhiên nhà văn (hiện đang rất hot) sướng nhất là chữ mình… bán được.

Một cái hẹn

:D

😀

Đến tuổi này mà nhiều lúc mình vẫn gào lên thảm thiết: Chưa làm nổi cái gì cho ra hồn. Mà đúng thế thật, chẳng ngoa. Những gì có được vẫn là nhỏ nhoi và giống như bao người. Thì cũng có học, có việc làm, có gia đình và những đứa con đang lớn từng ngày. Nhà thì chẳng phải đi thuê, tiền tiêu hàng tháng không rủng rỉnh không đến nỗi cạn kiệt. Sao vẫn cứ thấy thiếu.

Nhiều người sẽ phì cười, sẽ bảo hâm, vì như thế là an lành, thế là bằng lòng. Còn đòi hỏi chi nữa. Không hề nhá, không đòi hỏi, chỉ thấy nếu cuộc sống cứ tằng tằng bình phẳng thế, đâm buồn.

Buồn nên tự dưng muốn có những cái hẹn. Hẹn chẳng phải hẹn hò. Hẹn hò là đâm ngang hông vết liền của người khác mất rồi. Mình không phạm phải điều này. Mình chỉ tự thách thức mình, và hôm nay có được CÁI HẸN cho hơn một tháng sau. (Vô cùng có ích cho lũ trẻ nhà mình).

Và bây giờ ngồi để phập phồng chờ đón lời hẹn.

Tính từng ngày.

Giống như ngày bé chỉ mong sao tới Tết được ăn bánh chưng, thịt ê hề và có quần áo mới.

Chỉ mong đến ngày thứ Bảy, bố về tới cửa là lúc nào cũng có bánh săm-pa (dài, xốp, có vụn đường trên mặt) để ăn.

Chỉ mong sao nhanh tới hè, quẳng sách đó là lông bông, lang bang, cánh đồng với lũ bạn, vừa kiếm rau, vừa nhặt củi, vừa chạy nhổng cho tới đen nhẻm mới thôi. Cái tự do nó cứ phơi phới ấy.

Rồi mong sao có một đứa bạn gõ cửa, đi chơi không mày?!

 

Chốn cũ

Hướng về nơi nao. Nguồn ảnh: WP

Hướng về nơi nao. Nguồn ảnh: WP

Sáng muộn một ngày chủ nhật thấy hai bố con lơ vơ đến trước cửa bên nhà hàng xóm cạnh mình. Cô con gái đang học lớp hai. Ông bố thì đang hỏi thăm về những người cũ. Hỏi thăm nhà cụ Thịnh (đã mất) là chồng cụ Điều,95 tuổi, vẫn đang sống khỏe, chỉ có mỗi tay trái bị sưng và một chân phải què không đứng thẳng người được. Hỏi ra mới biết, nhà anh đã từng sống ở nhà cụ, đã bán đi. Tính ra là gần 20 năm anh mới trở lại. Anh bảo: Tôi về thăm lại cụ Thành hàng xóm. Tôi ở đây một thời gian ngắn, thường sang nhà cụ Thành chơi và đàm đạo thơ. Nay mới về thăm cụ được.

Anh thần người ra khi biết cụ đã mất, giỗ đầu được hơn một năm. Sau đó anh mới bấm chuông cửa và gặp các cháu của cụ. Các cháu cụ cũng chả rõ anh là ai.

Chốn cũ bao giờ cũng khiến có người muốn quay trở về. Nhất là những nơi đã gắn bó mình một thời. Tiếc là anh đã trở về hơi muộn. Cụ Thành cũng 96 tuổi mới mất. Nếu như anh về sớm hơn 2 năm là vẫn còn gặp được cụ tỉnh táo, khỏe re. Cụ chỉ ngơ ngơ nửa năm rồi cụ mới mất.

Tiếc là tiếc vậy thôi, chứ đời người ai rõ muộn hay sớm khi muốn trở về nơi chốn cũ.

20-11 sắp tới rồi. Không còn cái nao nức của tuổi thiếu thời mong tặng cô dù chỉ là những nhành hoa hồng trồng ngay mảnh đất con phía trước nhà, chỉ là một chút gì buồn buồn vì các cô giáo đầu đời của mình hiện đang ở nơi nao, mà mình không rõ.

😦

Khó cất thành lời

Mê cung. Nguồn ảnh: Internet.

Mê cung. Nguồn ảnh: Internet.

Sau bao nhiêu năm giời, hôm nay mình lại gặp lại một khuôn mặt. Vẫn cái im lặng đó, ngồi sau cửa kính. Gương mặt hầu như không thay đổi, chỉ có chút gì đó béo hơn. Ánh mắt vẫn là ánh mắt cũ, dáng ngồi, mọi thứ.

Vụt xe qua và nhìn thấy, mình không dừng lại. Không hiểu có nhìn thấy mình. Đông tràn lấp không gian chiều. Dẫu sao mình vẫn lại lượn qua khung kính đó một lần nữa.

Lòng cuộn lên điều gì đó. Không thể lí giải. Không thể cất lời. Khó gọi thành tên.

Chán sống

:D Nguồn ảnh: Theguardian.co.uk

😀 Nguồn ảnh: Theguardian.co.uk

Đều đặn ngày nào cũng phải ăn, đủ 3 bữa mỗi ngày. Chưa kể những bữa ăn vặt. Ăn không phải là sở thích, hứng thú, mà là nhu cầu, nhiệm vụ. Bụng không no thì não cũng khó làm việc. Có thể nhịn tạm đâu vài ba bữa, nhưng vẫn cần phải ăn, cơ thể cần có thức ăn để trao đổi, nuôi dưỡng. Nhớ ngày xưa, có cô bé gày còm, trong đầu lúc nào cũng đầy ắp những ý tưởng, cô bảo: “Giá như ăn giống như một viên thuốc, ngày tống đủ ba viên, ba bữa đủ cho cả ngày. Vậy có phải sướng hơn không?”.

Với người chưa no, ăn để đủ. Với người giàu có, ăn là sự hưởng thụ. Tứ khoái mà.

>> Nạp – thải

Vòng vo để sáng nay mình đi ăn sáng vẫn với niềm sung sướng. Ăn cho một bữa sáng sảng khoái để bắt đầu một ngày làm việc tươi mới. Bát miến ngan bốc khói đặt trước mặt. Lúc này ăn miến nước, nước chan phải thật nóng, đông rồi. Lạnh mới ít, còn nhẩn nha, nhưng lạnh nữa phải nhanh nhanh kẻo nguội, bát miến sáng đã bớt ngon rồi.

Người ta thì sung sướng với những đồ ăn lạ, mới, ngon và đắt tiền tại một chốn sang trọng. Mình tạm hài lòng với bữa sáng nóng vậy. Nào ớt tươi, nào tí dấm, đũa – thìa chuẩn bị thưởng thức.

  • Chị thấy chán sống ở đây?
  • Nhà chị hai ga-ra, mặt trước vườn, sau vườn, tổng diện tích 700 m2 cơ mà?!
  • À, chị thích đi du lịch. Đến Mông-tơ-pát (phiên âm ra vậy – vì cũng chả rõ nó thực sự tên gì), nơi đó có ba khu vào, khoảng tháng 6-7 có tuyết. (đoán ra đây là nước Úc).

Tạm quay lại với bát miến đã nguôi nguội của mình. Ăn đã.

Lúc sau hai chị phía sau đã ăn sáng xong, đứng dậy. Hai chị váy gọn gàng, người ở tầm 50, chưa đến tuổi về hưu. Cả hai đều là giáo viên trường THCS giữa Thủ đô. Họ đều có con đi du học nước ngoài.

Hihi, thảo nào các chị chán sống ở Hà Nội và yêu sống ở nơi khác.

Còn mình thì vẫn cứ phải chén xong bữa sáng và trở lại công việc thường ngày.

😉

Rủ rỉ

Nguồn ảnh: Theguardian.co.uk

Nguồn ảnh: Theguardian.co.uk

Tròn một trăm ngày ông nội, bà nội thở hắt sâu một cái vào tầm khuya rồi bà đi. Con cháu trong nhà cũng không thấy chộn rộn nữa. Chỉ còn 5 năm là đủ số tuổi thực của bà 100. Bà nội đi nhẹ như lông hồng, dĩ nhiên là bà mất cả thời gian dài gần năm đau đớn. Thương bà lắm.

Sáng đúng ngày bà chuẩn bị đi xa, bà không nói được nữa. Má đã hóp, người đã khô kiệt. Tuy hai bàn tay vẫn phẩy phẩy ra chiều: Tao biết, khi con cháu hỏi đến. Bà đau nên hai tay cứ buồn bực, giựt giựt chăn gối, màn, và chắp chắp hai tay lại như chiều cầu xin, cúng cụ. Mắt bà cũng đã mờ sậm, lâu rồi.

Trước đó hai tuần, bà nội vẫn còn rất vui, cất đi những đồng tiền con cháu biếu để cụ mua sữa. Vẫn giõng dạc hỏi đứa nào về ngồi ngoài phòng khách mà quên chưa kịp vào buồng thăm cụ. Cụ tỉnh táo cho đến lúc đi gặp cụ ông.

Đêm thứ hai nằm nhập quan, các em của bà nội rất đông, tròm trèm gần chục, bà gần nhất cũng đã 87, ba chị của bà đã mới mất cách đó có vài năm. Nhà bên bà nội rất thọ. Đêm đó các cụ bà người đều nhỏ thó, nằm ngang giường, cách áo quan chừng mươi bước, và trò chuyện hầu như cả đêm. Chuyện nhỏ, chuyện to, xa – gần hết cả. Bà nội đi làm dâu bên này cỡ 70 năm, vậy mà không hề lây sang giọng của xóm đá, vì thế thì các bà em nói chuyện, mình ngỡ như nghe cả giọng bà. Lạ thế.

Trước khi lên Hà Nội vào đài hóa thân hoàn vũ. Những bà em già cả đều ở nhà, nhưng khóc chị lạ lắm. Không vật vã. Nước mắt lã chã rơi và: “Chị ơi, thế là không gặp chị nữa rồi”.

Bố mình không là cả, nhưng mình là cháu lớn nhất. Bà nội cũng như người mẹ thứ hai của mình trong 4-5 năm. Chú ruột còn kể, trong tất cả những đứa cháu, mỗi cháu được bà khóc vì thương đấy. “Vâng, con chào bà”, mình biết nói có vậy lúc linh cữu bà được đưa vào trong lò của giàn thiêu Văn Điển.

Vẫn biết nước phải chảy, đá sẽ mòn. Bà ơi, giá như lúc nào con cũng vẫn được nghe bà rủ rỉ.

😦