Rung lên những thanh âm yêu ghét

img_4717

Ảnh: H.T

Vừa khép lại dòng cuối cùng trong số trang 240 của Lam Vỹ. Tính ra là cũng gần một tháng kể từ ngày nhận được cuốn sách của NXB Nhã Nam và tác giả Đỗ Hoàng Diệu kí tặng. Với Diệu cho đến giờ chỉ là lần gặp đầu tiên lần ra mắt cuốn sách hôm 15/10 tại Hà Nội và là bạn trên FB. Những gì biết về Diệu không nhiều, ngoài tập truyện Bóng đè và giờ là Lam Vỹ.

Mình không dễ bị hút vào khen lẫn chê. Bởi thường khi đã yêu thành khen vống, mà đã ghét thì chê dài,  bĩu môi bĩu mỏ. Có khi, nếu mê người thì văn người sẽ thật thơm, nhưng nếu ghét người thì cái văn đó hỡi ôi là bốc mùi. Chuyện làng văn có bao giờ sai.

Hôm đến với cuộc giới thiệu sách của Đỗ Hoàng Diệu, mình gặp Trương Quý. Mình có bảo Quý: “Thực sự mình không nhớ đến văn của Diệu nhiều, duy nhất chi tiết quằn quại ngay dưới bàn thờ Tổ” và với ai thì những người đọc riêng truyện Bóng đè rất rõ. Điều đó chỉ có trong suy tưởng của nhà văn. Nghĩa là trong thực tế chưa có thật, thì dưới tưởng tượng nó sẽ là thật trong câu chữ, và biết đâu sẽ có thực ngoài đời. Cái này thì phải có kiểm chứng, mới rõ.

Hôm đó, mình để ý nhiều tới Diệu. Nhiều nhà văn như Phạm Ngọc Tiến (có đọc lại dòng anh đã viết trên FB về Lam Vỹ), có Quảng Hà không nói gì, chỉ ngồi kí họa Diệu, có nhà văn Châu Diên xưng bố với Diệu, có nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và một số nhà văn mình có thể đọc họ, nhưng thực sự không biết mặt. Đỗ Hoàng Diệu rất căng thẳng, gọi là khá căng thẳng khi nghe mọi người nhận xét về mình. Diệu ít cười. Đôi khi mặt đỏ, căng thẳng. Cướp mic cả MC và có những lúc bật cười thật to.

Nếu ai đó được dự buổi ra mắt của Diệu, hoặc có đọc lại tường thuật cuộc đó trên báo, thì Diệu cũng đã tâm sự ban đầu Diệu viết Lam Vỹ với tâm tưởng phải viết kiểu ba xu. Bởi viết Hầm mộ, cuốn này ngoài bác Đỗ Đức, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và MC Phạm Xuân Nguyên có bản thảo, thì không rõ ai đã được tiếp cận văn bản này. Nhưng Hầm mộ chưa có giấy phép xuất bản, và vì thế Lam Vỹ (ban đầu có tên là Nhà thương điên) ra đời.

Diệu tự nhận Lam Vỹ vẫn tiếp âm hưởng của Bóng đè nhưng không BẰNG. Dĩ nhiên làm sao bằng, đừng so hơn hay kém, một bên là truyện ngắn (cũ) và bên là tiểu thuyết (mới).

Diệu cũng bảo đang rắp tâm và đã viết rồi, cuốn Bệnh ngứa, hi vọng sẽ ra mắt bạn đọc sớm trong năm 2017. Còn Lam Vỹ trong 3 tháng đã viết xong, ban đầu ý tưởng là ba xu, nhưng thực sự, Diệu bảo, không phải là ba xu được.

Lam Vỹ cuốn hút và từa tựa Bóng đè ngay từ đầu tiên. Cái lỗi của Đỗ Hoàng Diệu chính là viết truyện chăn gối mà cứ như không và hơi hơi giống…. dâm thư nữa đấy. Khen cũng ở đây, mà chê cũng nằm đây. Ban đầu là dễ đọc, nhưng câu chữ của Diệu quả có nhiều chỗ khó đọc, gần như phải đọc lại để hiểu cấu tứ (Rõ đây là chủ ý của tác giả).

Ba vệ tinh chính, ba anh chàng Việt-Tỉnh-Vĩnh, mình thấy Tỉnh ổn nhất. Anh chàng ổn không phải ở tính cách, không phải từ cái kiểu xuất thân (mà có lẽ chỉ có cái tạng của Đỗ Hoàng Diệu nghĩ ra). Anh ta khiến mình thích chính ở những bức thư và tấm chân tình mà anh chàng có được.

Cái kết của Lam Vỹ mình không thích. Nhưng bức thư của người mẹ – cô Thơ – một biên tập viên văn học – thì quả phải làm mẹ rồi, mới có thể viết được những dòng đó. Nhưng vẫn phải nhắc lại nhé, những cái giọng của sử dụng từ (như cục chim tí hon là mình không thích) dù thích cái tâm tình của thư.

Và trong cái cuộc chiến âm hưởng của chăn gối đoạn Việt chiếm đoạt lại Thơ có sự chứng kiến của vợ Việt lẫn anh chàng bảo vệ, thì cũng lại chỉ có Đỗ Hoàng Diệu (tưởng tượng ra). Mình dám khẳng định đấy.

Với Lam Vỹ bảo mình có thích không nhỉ?! Có, đó là những đoạn đan cài về loài chim Lam Vỹ. Cái thứ chim quỉ quái của âm hồn, chim của trí tưởng tượng hoàn toàn không có thật. Nhưng phải có loài chim đó mới ra được Thơ. À, còn cái cô Lam, nhà văn trẻ béo ục ịch, có bầu với Tỉnh, cũng rất thú vị ở đoạn Lam cần sự an ủi từ Thơ. An ủi lại có được từ một tình địch.

Và mình khoái Tỉnh, thật sự đấy. Nhưng nhiều đoạn khác, với những ai đọc từ đầu chí cuối Lam Vỹ, chắc hẳn nhiều gã ĐÀN ÔNG sẽ thích, hoặc sẽ BĨU MÔI (mà chửa chắc đã chê nhé).

Mình thực sự thích cái tình yêu mà Tỉnh đã dành cho Thơ, ấp nồng và kể cả cái nụ hôn cuối cùng lên trán đứa con mới ra ràng.

Ở đó, nếu gạt đi những chi tiết quả là (khủng khiếp) thì mình thấy Lam Vỹ  của Đỗ Hoàng Diệu cũng ổn!!!

Xin bật mí thêm, là hôm đó Diệu đã hỏi lại khán giả, hỏi lại những người đã đọc tác phẩm của mình khá nhiều. Trương Quý cũng phát hiện ra khả năng giễu nhại của Diệu về bản thân cũng như cả về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ở đó, Diệu cũng muốn Nguyễn Huy Thiệp có ý kiến về Hầm mộ của Diệu. Nhưng nhà văn đã chỉ loanh quanh với những gì nói về… nhà văn và nói về chính mình.

Hôm đó mình cứ thấy tiêng tiếc, giá như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có nhắc một câu về Đỗ Hoàng Diệu, mà không chỉ chúc mừng (suông) thì tốt hơn không?!!

 

 

Bình luận về bài viết này