Mê dụ

Mê phim giờ mê nhạc trẻ! Nguồn ảnh: WP

Mê phim giờ mê nhạc trẻ! Nguồn ảnh: WP

Trong những chiêu trò khiến cho loài người dễ bị cuốn hút, nhất là thời hiện đại, đó chính là phim ảnh. Chỉ có thước phim chừng tiếng rưỡi đồng hồ đã đủ đưa người xem vào chốn khác, khung cảnh khác. Hiện nay, ở Hà Nội (của trước đây thôi nhé) thì cũng có tới mươi rạp chiếu phim, nay chắc còn hơn. Những rạp như Dân Chủ, Tháng 8, Ngọc Khánh, Điện ảnh Quân đội giờ trở nên xập xệ, xấu xí rồi. Khách vẫn tới vì có những chiêu trò như giảm giá vé, miễn phí bỏng ngô… thì đông là những cô cậu sinh viên, học sinh cấp ba. Còn với những con cái của đại gia, phung tiền không suy nghĩ, thì cứ phải ngồi trong phòng rộng, âm thanh vòm nổi, sáng choang. Xem như thế mới thú, mới đủ sức để mê dụ.

Dạo này, các hãng phim tại Hà Nội không quảng cáo những bộ phim mới thật rầm rộ nữa. Vì với số vé bán ra tại các rạp chỉ được coi là đều đều, nếu tập trung đầu tư cho quảng bá, xem chừng là lỗ. Thứ bảy rồi, ba mẹ con tranh thủ lượn qua rạp phim Dân Chủ, phim mới nhất “Để mai tính 2”. Xem phim này với các bạn nhỏ là hơi dở, nhưng dầu sao vẫn cứ chọn phim để có dịp mấy mẹ con cùng xem với nhau. So với “Tèo em”, các bạn chẳng thích “Để mai tính 2”. Thích sao được khi toàn những cảnh nhăng nhít, sâu xa là về đồng tính, chắc hẳn là các bạn ấy không thể hiểu… được rồi. Thỉnh thoảng có những đoạn chọc cười như bị… tụt quần, như chọn cách đuổi nhau trong tình trạng chân bị tê liệt dần, thì các bạn nhỏ có cười. Nhưng mà đạo diễn mà chỉ khiến khán giả cười được có vậy thì có lẽ bộ phim khó mà thành công để thu hồi lại vốn.

Nói dài dòng vậy để dẫn dắt mình tới bộ phim “Hotboy nổi loạn – Câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt”. Ban đầu là chưa xem “Để mai tính 1” nên đã mò vào mạng, bản đẹp hẳn hoi. Nếu đem so sánh, thì quả “Để mai tính 2” kém… 1. Kém về câu chuyện tình yêu, tệ về kết cấu câu chuyện chặt, dù vẫn Thái Hòa trong vai Hội (đồng tính), khách sạn vẫn 5 sao bóng lộn, vẫn nữ chính – nam chính đẹp hơn mơ, đẹp từng… xen-ti- mét. Nhưng “Để mai tính 1” đáng xem, còn “Để mai tính 2” thật tệ (!) Và để xóa đi cái cảm giác tệ đó, mình xem luôn “Hotboy nổi loạn”. Xem xong thấy tự dưng đáng khóc. Khóc ở đây không phải là dở, mà khóc vì… từng chặp đã khóc khi xem một mình với laptop.

Gạt đi cái sự quan tâm tới đạo diễn có cái tên Vũ Ngọc Đãng, bỏ qua gương mặt diễn viên chính Lương Mạnh Hải đã nhẵn mặt trên phim truyền hình “Bỗng dưng muốn khóc”, đừng ngó ngàng tới chi cái giọng hơi bị dài lưỡi và có phom người chuẩn của Hồ Vĩnh Khoa, mà hẵng tập trung vào nội dung phim. Đề cập tới “Hotboy nổi loạn” giờ có chăng hơi muộn! Vì phim khá hot ngoài rạp từ năm 2011 rồi. Nhưng mà có xem thì vẫn phải nhắc, có thích thì cũng phải ghi nhận tí chút chứ.

“Để mai tính 1 & 2” đều trong những câu chuyện ở khách sạn 5 sao. Bóng lộn. Xòe xòe của vụ đi… tè cũng rõ rệt từ âm thanh. À cái đó gọi là phản ánh tới giới thượng lưu. “Để mai tính 1” hiện ra cái tên Movenpick ở Sài Gòn, 2 thì là Lotte. Đẹp. Chắc hẳn là niềm mơ ước của những người trung lưu trở xuống. Mơ được một lần xả nặng, hoặc nhẹ ở trong khách sạn đó chứ. Thật ra, những gì là đẹp đẽ, thì cái khó khăn trong tìm nhau ở tình yêu không đủ để khiến bộ phim có sức nặng. “Hotboy nổi loạn” dễ đồng cảm bởi quay những cảnh Sài Gòn nhếc nhác, những khu chung cư từ thời 60, và thằng Câm hay gọi tên là cười, cô gái đứng đường suốt ngày bị đòi nộp tiền nhục mạ và một con vịt sống động.

Những cảnh đồng giới gay đứng đường tìm khách không đắt. Nhưng đủ sức nặng lúc tả về tình yêu của Khôi (Hồ Vĩnh Khoa thủ vai) và Lam (Lương Mạnh Hải). Thế nào nhỉ, Khôi (gay đẹp trai mới vào đời) và Lam (kẻ đực rựa chỉ đưa khách, chiều khách kiếm sống) khi đối thoại với nhau. Khôi hỏi: Anh biết vì sao cuộc đời này thú vị không? Trả lời: Bởi vì anh không biết rõ nó sẽ ra sao. Khôi tiếp: Mình không thể chọn được giới tính lúc ta chào đời, nhưng ta có thể chọn được cách sống, con đường sống. Ô hô, chí lí.

Gần kết thúc phim, Lam đã phải chết tức tưởi, chết trong tư thế trần truồng ở đúng nơi mà Lam đã tổ chức nhiều cuộc cướp bóc. Khôi bỏ đi, Lam mong muốn gặp lại người tình, nhưng muốn gặp lại, Lam phải có tiền. Mà đi khách thì làm sao mà đủ, Lam đã làm đủ mọi cách, kể cả hẹn những kẻ muốn làm tình với kẻ đồng giới ra chỗ tối và cướp sạch toàn bộ. Đi đêm lắm, có ngày gặp ma. Lam đã chết. Mà Lam chết dưới bàn tay đạo diễn (hay câu chuyện nó phải thế) thì cũng đủ để xóa sạch mọi thứ, hóa kiếp cho một kẻ lệch nhịp giới tính, nhưng đã sai đường lúc mưu sinh.

Bộ phim “Hotboy nổi loạn” trừ cái tên là mình không thích. Phim này được chiếu ở nhiều LHP quốc tế. Tên phim được giới thiệu là “Lost in Paradise” (Lạc bước thiên đường), cái này mới đúng bản chất của phim, của những gì cuộc sống đang xoay vần. Song hình như, cái tên đó lại tây quá và không thu hút khi chúng ra rạp hay sao ý (!)

Xem xong phim tự dưng mình lại thích nhạc trẻ. Những ca khúc sáng tác của Minh Thư trong phim đáng để nghe, giọng ca của Hồ Vĩnh Khoa và Quốc Minh cũng cần lưu tâm về chất giọng. Quên, trong “Hotboy nổi loạn” đạo diễn có zoom gần vào một cuốn sách mà Khôi đọc, nhưng xem màn hình nhỏ, mình luận mãi chẳng ra. Còn trong “Để mai tính 2” thì chình ình hai cuốn “Bắt trẻ đồng xanh” và “Kafka bên bờ biển”. Oai không!

Không chỉ quảng bá cho khách sạn, cho thẻ visa, cho những nhà sách, các đạo diễn (dù phim của họ dở hoặc hay) cũng đáng nhận được một lời khen, họ đã biết cách mê dụ cả người xem, lẫn các doanh nhân.

😉

Bình luận về bài viết này