Bóng râm

Thiếu bóng râm?! Nguồn ảnh: Telegraph.co.uk

Nhiệt độ cuối hè mà nóng đến chạm gần 40 độ, ở Việt Nam cũng như ở Mỹ. Truyền hình cận cảnh lúc nào cũng là cảnh những du khách may ô quần đùi dạo phố trên đường với mướt mát mồ hôi. Họ giải khát và tiếp nước bằng uống từng ngụm nhỏ từ chai nước suối tinh khiết. Nóng càng tăng vì nhà nào, phòng nào cũng có điều hòa nhiệt độ, mà trong phòng đã mát lạnh cả ra, thì trên mặt phố, giữa trưa thì làm gì mà chả nực.

Những lúc nóng hầm hập như thế, thèm lắm một luồng gió mát, khát lắm một bóng râm.

Hơi gió như một bàn tay, chạm nhẹ vào tấm lưng đang lấm tấm những mồ hôi, đủ ướt đẫm nơi vùng cổ nách hay khắp người. Luồng hơi mát của thiên nhiên như trung hòa, giải nhiệt, và giảm bớt những căng thẳng không đâu.

Căng thẳng từ cái nóng của thiên nhiên được chính luồng gió mát tự nhiên hòa giải.

Thời trang phái nữ giờ cao dưới, hở trên. Thị trường áo chống nắng còn trình ra nguyên cả một cái áo giáp trông từa tựa cái áo che mưa, áo choàng cho mùa đông giá lạnh… Dĩ nhiên chỉ với những cô nàng có việc cần phải ra ngoài giữa  trưa, di chuyển khoảng đường xa mới mặc vô, còn không là để nguyên, vì thời trang mà lị (!).

Vậy là các nàng cũng mong lắm, một bóng cây. Khoảng hiu hiu của gió, tiếng xào xạc nhẹ lá rung cành và nhất là che bớt những khoảng hở để nắng… khỏi tấn công, thú vị lắm.

Cái cảm giác khoái và phê nhất là khi ta đang di chuyển giữa cái nắng chói chang, nắng như xói thẳng và xuyên thủng làn da mịn màng, đột có đám mây di động che một khoảng mát. Bóng râm như đùa giỡn, chở che.

Túm lại, lúc nào cũng cần một bóng râm.

Tôi nhớ có câu chuyện về một chiếc gốc cây của  nhà Phật. Cái cây đã che bóng mát, đã thành vật liệu cho những ngôi nhà, đã cụt lủn chỉ còn trở thành một chiếc ghế ngồi dành cho khách đi đường nghỉ tạm. Thế nhưng, con người vẫn cứ đòi hỏi, mong trốc đi cái rễ cuối cùng để biến chúng thành củi đun sưởi ấm cho họ tránh rét muốt trong mùa đông của tuổi già. Cái cây chấp nhận.

Bóng râm đã vắt cạn chính mình.

Độ hài lòng

Giọt nước mắt của giới teen có đủ làm Amy hài lòng nơi chín suối?!

Cái cô Amy Winehouse vừa qua đời, chết ở tuổi 27, ngập ngụa rượu bia, ma túy. Cô được đánh giá là một ca sĩ sống hát theo bản năng và cảm xúc. Cô chết nguyên nhân có thể do đột tử, cái tên cô đủ để giới teen vẫn đem hoa hồng và gấu bông tới đặt nơi bia mộ. Nhưng giới truyền thông đã đưa cô tới đỉnh và cũng đẩy cô đến một xó xỉnh nào không ai hay nổi. Họ đánh giá cô thiếu bản lĩnh, thiếu một người đủ mạnh mẽ để sử dụng tài năng của cô đúng cách, để cô trượt dài, không gượng dậy nổi.

Tôi lại nghĩ cô tìm kiếm sự hài lòng với chính bản thân mình. Không bỗng dưng mà chỉ mỗi tài năng nhỏ nhoi vừa nhú đã khiến cho một cô bé con có bố mẹ không dính dáng gì tới nghệ thuật lại có thể đoạt được giải Grammy khi mới 25 tuổi. Cô sống bản năng nhưng mắt luôn hướng lên cao, hướng nhìn vọt như đà lên dốc của một hình sin tiến về phía trên tay phải.

Amy đạt được tiếng tăm, có tiền tài. Mọi ánh nhìn ưu ái đều hướng tới cô. Xưng tụng nhiều, nhưng rồi một bài hát, một cái tên không đủ trụ lại lâu dài nơi xã hội ngày nào cũng đầy ắp thông tin. Nếu cô hài lòng với chính mình và duy trì nó vậy là đủ cho một cuộc sống của cô đầy êm dịu và có lẽ sẽ thăng tiến, sáng tạo. Nhưng Amy lại để ma túy, để cái hình ảnh của hoang dại trượt dài, trước khi đã đến ngày album thứ ba sẽ chuẩn bị thu âm thì cô không còn nữa.

Anders Behring Breivik không chấp nhận mình chỉ là một anh kĩ sư nông nghiệp quèn ở đất nước Na-uy thanh bình xinh đẹp. Sáu tấn phân bón tự tạo và chiếc súng trường đã cướp đi 92 sinh mạng. Chả có động cơ chính trị nào hay thù ghét một chế độ Tôn giáo nào bằng chính cái tự tôn, muốn xưng hùng xưng bá của một gã trai đương sức ở tuổi 32. Hiện sau 3 ngày, vụ xả súng và nổ bom xảy ra, gương mặt của Anders hiện lên đầy sạch sẽ, và thông tin về gia đình anh ta  hoàn toàn bị (được) giấu kín.

Cả Amy lẫn Anders đang đi tìm hạnh phúc, với mong muốn kiếm sao cho thỏa mãn đạt tới độ mình cảm thấy hài lòng. Nhưng hài lòng không có nghĩa đồng hành cùng hạnh phúc. Dường như hai thứ đã tách rời và ngày càng cách xa.

Đói

Ăn mày là ai? Ăn mày là ta, đói cơm rách áo hóa ra ăn mày!”. Câu ca dao này tự dưng cứ vói lên trong đầu tôi sáng nay.

Lâu rồi không có hình ảnh những thằng/con bé rách rưới, bẩn thỉu, lê lết nơi góc chợ, vỉa phố. Thay vào đó là những cậu/con bé ngồi trên chiếc xe lăn trông đầy thiểu não, bên cạnh có người đẩy xe cùng. Đi kèm có thể là những vỉ kẹo cao su, những bọc que tăm tre chia lẻ… Hoặc là bà mẹ nách kẹp con (có phải con?), tay kia nón chằng nón đụp và cũng là một số đồ nghề như ví da, bấm móng tay, dây đeo chìa khóa. Họ đi bán để kiếm sống.

Gánh nặng của trời. (Minh họa)

Dưới vóc dáng mới, họ sẽ không bị thu gom (từ dùng quen của báo giới) về một trại riêng, hoặc tạm nghỉ về quê trong thời gian dài. Họ rong ruổi mỗi ngày. Cảm thông với họ có, những cái lắc đầu, ánh mắt khinh khỉnh, lời nói dè bỉu, có cả. Nhưng họ phải sống chứ. Kệ mà.

Ngồi trong quán ăn sáng quen thuộc, tôi thấy một cụ bà bước vào. Chiếc mũ kéo sụp xuống tận mắt, người đối diện, kể cả ngồi cũng khó nắm bắt được gương mặt của bà. Trước mặt tôi là gói tăm. Tôi lắc đầu, giúp bà một món nhỏ. Bà không nói gì, quay đi chìa gói tăm đó cho khách khác.

Quán khi đó chỉ có 4 người, thêm chỉ chủ hàng và người giúp rửa bát, tất cả đều là phụ nữ. Một bà khách hàng đứng dậy phàn nàn: “Có ăn nhiều bún đâu, mà sao cho lắm thế, ăn ko hết”. Bà khách trả tiền và rời khỏi. Cụ bà bán hàng dạo bảo: “Chị ko ăn, để tôi ăn”. Đáp: “Vâng, mời bà”. Cụ bà để nguyên cả đồ nghề, ăn liền bát bún còn nóng, nhưng hết sạch ngan. Cụ không dùng đôi đũa mới, sạch, mà chỉ kịp quay đầu. Ăn xong cũng lấy giấy ăn lau miệng đường hoàng. Cả quán không ai thốt lên câu gì.

Sau đó, chị chủ quán vóng sang kể lại với chị bán rau ngồi bên cạnh: “Bà bán tăm dạo kia, ăn hết bát bún thừa của chị bán thịt bò đấy”.

Chị bán rau trả lời: “Chắc bà ta đói lắm”.

Nhổ lông mi

Mi nào còn đẹp? Nguồn ảnh: InternetĐể có hàng mi cong vút, tạo sự mơ màng của đôi mắt, tăng sự hấp dẫn cho khuôn mặt của cô con gái, các bà mẹ thường truyền nhau kinh nghiệm cắt lông mi cho bé từ lúc vài tuần tuổi. Không rõ có được bao nhiêu bà mẹ có con gái làm thế, nhưng giờ có maccarra, có công nghệ làm đẹp, mắt của những cô gái, nhất là những người rắp tâm theo nghề người mẫu ảnh, thời trang, làm đẹp đều đen ngắt, ngút ngàn.

Mi mắt chớp, khối chàng lay động.

Mi ngăn bụi, mi tránh những xâm hại không cần thiết. Chỉ ai đó chợt bị cháy rụi lông mi, thấy cần cho khuôn mặt quân bình, ko khuyết thiếu, mới viện tới bác sĩ phẫu thuật, cấy trồng thêm lông mi mà thôi.

Chủ nhật rồi, cả nhà tôi về thăm bà nội. Tết này bà sang tuổi 93. Con cháu giờ ra Hà Nội hết. Còn độc hai cụ ở gần chú út. Thấy con cháu về chơi, cụ vẫn vào bếp đun nồi chè đậu đen, bỏ thật nhiều đường (mà giờ ở TP có mấy ai ăn đường). Nếu ko can, cụ còn muốn gói thêm bánh gio, chấm với mật.

Sau bữa trưa no nê, cả nhà chỉ còn chuyện phiếm bên bàn trà. Quê giờ vắng hoe. Kiểu bán hàng đa cấp tràn về tận vùng này. Chúng tôi được ăn bí xanh vừa ngắt khỏi giàn, đem gọt vỏ rồi xào; gà cục tác trong chuồng, nhặt trứng còn nóng hôi hổi hút tại chỗ; vịt đẻ bên đầm… Ăn chả thiếu gì, nhưng vẫn thấy thiếu một cái gì của vùng nông thôn vốn có. À, phải rồi, thiếu những câu chuyện râm ran, thiếu những tiếng cười vang của những người đang độ tuổi làm việc sung sức, chỉ còn tiếng ho khan, tiếng lục cục của gậy chống dọ dẫm đi và bọn trẻ thì vẫn hét váng nhà.

Chuyện nhắc đến nhiều nhất vẫn là… ngày xưa. Khi đã vãn vãn chuyện, mọi người hầu như im lặng nhấp trà. Bà nội tôi bảo: “Cái Nụ nhổ cho tao lông mi với”. Thím út đáp: “Mắt con giờ quáng rồi, không nhổ được”. Tôi xung phong nhổ giúp bà.

Hai bà cháu ngồi phía ngoài thềm, nắng của tầm 3-4 giờ chiều đang độ rực. Nắng chiều quê có gió sông nhưng vẫn hừng hực, ấm ức. Quạt điện vẫn xả thốc vào cả người hai bà cháu. Bà đưa tay vạch ngược mắt trợ giúp tôi tìm lông mi. Mắt bà đã đùng đục. Cái màu nâu của lòng đen và lòng trắng gần như hòa lẫn. Thỉnh thoảng bà đưa tay chấm nước mắt. Chả xúc động mà nước mắt vẫn chảy. Như để tôi bớt sợ tìm những chiếc lông rõ nhỏ, ngắn hết cỡ, cái đen cái đã bạc phơ. Bà cứ vừa theo dõi tôi vừa vẫn nói: “Nhiều lắm, những sợi mi, có đêm chả  ngủ được, cứ phải đưa tay lên vạch ngược, rồi chống mắt và tay để ngủ. Ngủ quên mắt thấy quằm quặm, ngứa ngáy thức lại rồi chong chong cả đêm”.

Đấy, nhổ tới đâu biết tới đấy. Dễ chịu lắm. Mà bà đã đi cắt hai lần mí mắt rồi đấy, nhưng bác sĩ cẩn thận cắt non. Bác sĩ sợ cắt sâu quá, lộ tròng” – bà vẫn cứ vừa theo dõi từng bước tay tôi, vừa đậm đà câu chuyện.

Thôi  thế được rồi con ạ. Tối nay bà lại ngủ ngon. Con bé Cúc đưa em Cải nó đi thi đại học trên Thái Nguyên. Nó đi có vài hôm, không có ai nhổ mà đã khó chịu thế. Chiều này là chắc nó về rồi”.